in

Chạy Chương Trình Nhưng Quán Vẫn Không Đông Là Tại Sao?

Có bạn hỏi Thông rằng sao quán em khai trương, làm chương trình cũng hấp dẫn mà không đông khách? Cũng chạy quảng cáo, cũng phát tờ rơi, thuê mascot nhưng sao quán vẫn vắng.

Quán bạn bán Cơm Gà & Nem Nướng ở Nha Trang, xung quanh cũng có nhiều quán cơm gà khác nên thị trường là có, mình xem như ô kê ở câu hỏi: “Thị trường có thật sự chấp nhận món ăn của bạn không?” hén.

Bạn có gửi hình chụp của quán và mascot (linh vật) nhảy múa gây chú ý, nhưng theo lời bạn thì người ta đi ngang qua người ta cũng tò mò nhưng rồi đi luôn chứ không có ghé vào ăn.

Nguyên nhân chủ yếu là do ĐỘNG LỰC và RÀO CẢN của khách hàng chưa đủ, nên hành vi nó chưa có diễn ra. Khúc này mình xác định đúng vấn đề của mình là “Khách hàng CHƯA thử sản phẩm của mình”, vậy thì mình sẽ có những giải pháp đúng.

GIẢI PHÁP

Mình phát tờ rơi và làm chương trình mà khách hàng đi ngang qua người ta chú ý thì cũng là thành công bước đầu rồi, nhưng mà thường là người ta không vào ăn ngay luôn đâu. Bởi vì các lý do sau:

  • – Chưa đói bụng, chưa thèm hay dễ hiểu là chưa có nhu cầu
  • – Chưa có lý do để ăn, chưa có dự định ăn nó
  • – Chưa biết ở đây bán cái gì, thấy ồn ào nên nhìn ngó

——-

Loanh quanh sẽ là những lý do này. Thông thấy khách hàng thường ghé đến ăn thử những quán mới bởi những lý do sau:

  • – Bạn nó rủ nên ăn, ai biết ngon không. Được rủ mà.
  • – Thấy có vẻ ngon nên ghé vào ăn thử.
  • – Thấy có chương trình khuyến mãi hấp dẫn nên ghé vào ăn thử.
  • – Thấy quán đông, chắc ngon nên ăn thử.

Còn nữa đó nhưng mà thường nó chính yếu mấy cái này hà.

Vậy giờ vấn đề của mình là phải tạo động lực cho khách hàng MỚI bằng cách dẹp bỏ những cái trên và đẩy mạnh thêm những cái ở dưới.

CÁC HOẠT ĐỘNG CÓ THỂ LÀM:

1. BÀY RÕ CHO KHÁCH HÀNG BIẾT MÌNH BÁN CÁI GÌ, NÓ NGON THẾ NÀO VÀ VÌ SAO LẠI NÊN THỬ.

Cái này đơn giản là cho Sản phẩm của mình Xuất hiện trước mắt người ta. Có thể dùng dạng Hashtag cầm tay ấy, nhưng thay vào đó là hình ảnh sản phẩm của mình. Mascot thì cho đeo thêm tấm bảng “Cơm Gà Ngon – Không Ngon Hoàn Tiền”.

Được thì thêm âm nhạc, lời giới thiệu như kiểu mấy siêu thị điện máy họ hay làm ấy. Đơn giản thôi mà hiệu quả.

Vậy là ai đi ngang qua cũng sẽ biết mình đang bán cái gì, bằng cả âm thanh và hình ảnh.

2. CHO HỌ THẤY ĐÁM ĐÔNG

Khách hàng cực kỳ nhạy cảm với đám đông, cứ chỗ nào mà thấy đông thì mặc định trong đầu sẽ là ngon hoặc là rẻ. Vậy nên nó mới đông.

Cho nên đối với quán mới thì càng phải tạo ra hiệu ứng đám đông. Cách tạo hiệu ứng đám đông như sau:

  • – Huy động bạn bè anh em, được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Cả của nhân viên nữa. Đến và ngồi ăn như khách bình thường. Càng đông càng tốt. Khách vào đông rồi thì đứng lên trả bàn cũng không sao.
  • – Tung thêm chương trình khuyến khích khách ngồi lâu lại, như kiểu “Ngồi càng lâu giảm càng sâu”. Cứ ngồi 1′ thì giảm giá 1%, tối đa giảm 50% chẳng hạn. Thì cũng sẽ tạo ra hiệu ứng người ta ngồi lại lâu.
  • – Hoặc là tặng thêm nước cho khách dùng xong người ta ngồi lại trò chuyện, các kiểu. Nước trà, nước trái cây hoặc gì đó thì tùy nhưng mà mình chủ động dọn dẹp bàn để khách hàng ngồi lại lâu hơn. Ở khúc này khách chưa đông nên mình có thể chăm sóc tốt được, không có khó.

Tóm lại là cần phải tạo ra được đám đông, và nếu có thể thì đầu tư vào giai đoạn này. Bạn bè đến thì tính giá giảm sâu vào, tận tình vào để ít hôm nhờ đến nữa. Ở khúc đầu này, cần nhất là đám đông. Có đám đông là thắng phân nửa rồi.

3. TẠO RA CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN MÃI KHÔNG THỂ CHỐI TỪ

Chương trình này thì ai đọc tài liệu của Thông đều biết cách làm rồi. Đại ý là mình sẽ tạo ra những khuyến mãi cho khách hàng có “cảm giác” cực kỳ hời, và giới hạn thời gian hoặc số lượng khiến họ muốn ăn ngay.

  • – Tặng thật nhiều cái đi kèm, nhỏ nhưng nhiều vì quán mình giá cũng không cao.
  • – Tặng quà để kéo khách hàng quay trở lại lần sau.
  • – Chương trình khuyến khích họ dẫn bạn đi cùng.

Lý do chủ yếu là do thông tin thị trường mình đã có ở trên đó, được bạn rủ nè, thấy khuyến mãi nè…

Mình có thể làm chương trình Miễn Phí Cơm Gà khi đi 2 người. Tức là nếu rủ bạn đi cùng thì chỉ tính tiền 1 người thôi, chỉ tính cho món cơm gà và không áp dụng cho các món khác.

Chương trình nào thì mình cần đào tạo nhân viên ra chào mời thêm khách những món khác để tăng giá trị đơn hàng, cũng như là trải nghiệm của khách vào quán thấy nhân viên nhiệt tình.

Không chỉ miễn phí, mình còn tặng luôn phiếu giảm giá cho lần tiếp theo. Làm sao mà người ta cảm giác gần như là được miễn phí luôn ấy.

Vậy thì hiệu ứng của chương trình mới bắt đầu diễn ra.

LAN TỎA

=========

Nhưng nếu như chỉ có nhiêu đó, rồi ngồi chờ thì cũng chưa hiệu quả. Mình cần phải mang chương trình này đến càng nhiều người càng tốt. Đó là lý do vì sao mình cần tờ rơi, voucher đó.

Quan điểm của tui là rất thích tự mình đi phát voucher với lại giới thiệu với khách hàng tiềm năng, tại vì mình sẽ biết được đâu là cái mình khiến người ta hứng thú và đâu là cái mình đang ảo tưởng.

Bởi vậy các anh chị có thể trải nghiệm, tự mình đi giao lưu voucher với những đối tác mini của mình. Ví dụ như các quán cà phê, các quán game, quán net, quán nhậu,… Tóm lại là khách của mình ở đâu thì mình đến đó để mình gửi voucher.

Mình cần làm 2 cái quan trọng để voucher của mình được thực sự đến tay khách hàng nè.

  • – Tạo được thiện cảm với người phát voucher thay mình
  • – Duy trì mối quan hệ thường xuyên với họ.

Cách mà tui thấy hiệu quả nhất chính là… mời họ ăn thử sản phẩm của mình. Xong rồi xin ý kiến của họ, xong rồi mới nhờ họ giúp đỡ. Và mình tiếp cận trên góc độ là khách hàng của họ cũng thích khi được tặng thêm quà, mà họ đâu có mất gì đâu.

  • Tiếp tục mời ăn tiếp.
  • Xin số Zalo, tỉ tê tâm sự.
  • Mời ly nước mía, cốc sinh tố.
  • Hỏi thăm xem còn voucher không.

Quan trọng là mình thật sự nghiêm túc với những cái mình làm. Cách làm này có thể sẽ mất thời gian hơn chạy quảng cáo FB, nhưng nếu kết hợp thì thật sự hiệu quả khủng khiếp.

Bởi vì không nhiều người làm cách này, và mình cũng xây dựng được một mối liên kết với những người bán hàng xung quanh nữa. Đừng khinh thường nha, hông chừng mấy hôm nữa cả quán họ gọi đồ ăn của mình đó.

MANG LÊN ONLINE

=============

Đây là bước mình làm sau cùng, nhưng mà thường các anh chị em mình hay tiến thẳng đến bước này luôn bởi vậy nó mới hay kém hiệu quả. Rồi mình nghĩ do content không hay, kỹ thuật chạy không tốt.

Thật ra content là những cái mình làm ở những bước trước rồi đó, chỉ cần chụp ảnh quay clip lại rồi đưa lên thôi.

Đề xuất của Thông là dùng Tiktok, vì giờ kênh này dễ tiếp cận người dùng tự nhiên mà miễn phí nhất. Quan trọng là nội dung kịch bản mình làm hiệu quả hấp dẫn (cái này bài khác mình nói sâu hơn nhé).

  • – Quay cảnh khách đông
  • – Quay cảnh chuẩn bị món
  • – Quay cảnh nhân viên tất bật
  • – Quay cảnh khó đỡ trong quán
  • – Quay cảnh phát tờ rơi

Nói chung là có thể quay lại tất, nhưng nhớ là phải tiếp cận nó với góc độ giải trí, hài hước bởi vì Tiktok là nền tảng giải trí, nên cứ cái gì mà giải trí cao, giữ chân người dùng xem được clip càng lâu thì càng được đề xuất và tiếp cận rất rất nhiều khách hàng.

Xong họ đến thấy quán đông, họ tin chắc rằng quán ngon và tiến băng băng.

Xong lại quay lại vòng lặp, được review, tự review,…tiếp.

=======

TỔNG KẾT

==========

Bài cũng hơi hơi dài, nên mình có thể túm lại đơn giản như sau.

Đối với quán mới, thì mình cần tạo ra 2 thứ đó là:

  • – Hiệu Ứng Đám Đông
  • – Chương trình Khuyến Mãi Shock

Khi đã có chiến lược và kế hoạch tạo ra 2 thứ trên mình mới bắt đầu triển khai lan tỏa cho nó bằng cách xây dựng kênh để tiếp cận khách hàng trên kênh Online và Offline.

Đó, ngắn gọn đơn giản thế thôi. Cách làm thì có thể tùy biến tùy theo mô hình và sản phẩm mỗi quán nhưng tựu chung lại thì thường cũng loanh quanh nhiêu đó.

Làm marketing cho ngành này thì cứ ai bền hơn, lỳ hơn thì sẽ lợi thế thôi. Hehe.

———

Nếu các anh chị em thấy bài này hay, hãy share để lưu lại đọc đi đọc lại.

Thông Phan

Bạn thích quán này chứ?

503 Points
Upvote Downvote
Nhận thông báo qua email
Nhận thông báo cho
guest

0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Nhiều like nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tiệm Cơm Mêli – Chuẩn Cơm Mẹ Nấu

Uri Coffee