Và nhiều nữa những câu hỏi tui thường hay nhận được khi chia sẻ về kinh doanh, mà cụ thể là ngành FnB này. Tui đọc những câu hỏi này tui thấy đồng cảm và thương các anh chị em vô cùng tận. Bởi vì chính bản thân tui cũng đã từng lạc lối thế này những ngày xưa xưa, đôi ba nhiều năm về trước.
Ai kinh doanh FnB đều gặp cái cảnh này
Các anh chị em nên chấp nhận một thực tế là ngành ăn uống (F&B) là một trong những ngành gian nan nhất khi mà tất cả các công đoạn quy trình cung ứng, sản xuất, dịch vụ, tiêu thụ và thu tiền luôn tại chỗ.
Và nhất là lại được thực thi bởi những nhân sự có trình độ thấp hơn so với các ngành khác (lao động phổ thông). Nên càng dễ phát sinh lỗi sai.
Rào cản xâm nhập ngành thì lại quá thấp. Chỉ cần cầm trong tay đôi trăm triệu là đã có một cái quán. Công nghệ phát triển thì bếp trên mây, khỏi cần nhiều tiền cũng đã có được sản phẩm và kinh doanh.
Rào cản xâm nhập thấp khiến mọi người đổ xô nhau kinh doanh F&B. Dù cho có người này thất bại, ngã xuống và rời khỏi thì sẽ luôn có người mới nhảy vào.
Với niềm tin là “tôi đã chuẩn bị kỹ, tôi có thể làm tốt hơn họ rất nhiều“
Xong rồi lại ngã xuống tiếp.
Cứ thế.
Kinh doanh trong ngành này thì xác định là đối thủ mới, đối thủ cũ nhiều và vô tận. Đấu hoài cũng không hết nên thôi đừng đấu, tập trung vào mình thôi và ít quan tâm người ta hơn.
Lạc Lối
Chỉ khi vấn đề thực sự xảy ra, chuyện kinh doanh trở nên mong manh và căng thẳng. Chúng ta mới cuống cuồng đi tìm kiếm giải pháp.
Tui chẳng khác gì anh chị em cả. Nhiều năm trước khi bắt đầu ngành này. Những lúc quán vắng khách, trong túi tui nhiều khi không có nổi 10 ngàn để mua hộp cơm ăn.
Đầu tui chỉ nghĩ làm thế nào để bán được nhiều hơn.
Tui đi hỏi thăm. Mỗi người cho tui mỗi ý kiến.
Tui làm hết. Quảng cáo FB, rồi phát tờ rơi, rồi tặng món KH, rồi tiếp khách uống bia với khách…
Chưa có cái kiểu gì tui chưa thử qua, nhưng đa phần là không hiệu quả. Tại vì mình đâu có biết gốc rễ vấn đề đâu mà giải quyết được.
Ai nói gì thấy cũng có lý. Đó là dấu hiệu của lạc lối.
Và đúng là tui đã lạc lối thật.
Lạc lối cấp độ 2
Ngày nay, các anh chị em còn khổ hơn tui. Khi mà sự lạc lối đã được nâng cấp.
Những khóa học, những bậc thầy và các chuyên gia được đào tạo về content.
Họ được chia sẻ công thức khai thác nỗi đau của các anh chị em và cho ra đời những bài viết xuất sắc, những tuyên bố ngỡ như là “đây chính là người thầy sẽ cứu vớt sự nghiệp kinh doanh của mình”.
Nhưng không.
Họ đã làm phần họ giỏi nhất. Đó là khai thác nỗi đau.
Còn làm sao để hết đau.
Họ không nói.
Hoặc không muốn nói.
Hoặc không nói được.
Hoặc không có khả năng.
Họ không đưa giải pháp.
Điều buồn nhất là cứ mỗi một lần lóe lên ánh sáng hy vọng “Tôi đã tìm được cách“.
Sau đó chúng ta lại thất vọng vì cách này không hiệu quả với chúng ta.
Rồi tự bản thân thầm an ủi nhưng thật ra mỗi lần như thế.
Niềm tin của chúng ta lại vơi đi khá nhiều.
Chúng ta lạc lối.
Cấp độ 2.
LỐI THOÁT
Khi mà 5 ông thầy bói mù xem voi, mỗi người sẽ mô tả một kiểu và thật ra chả có người nào sai cả.
Ngành chúng ta làm cũng thế, mỗi chuyên gia đều có quan điểm và góc độ khác nhau. Nói ai đúng ai sai là rất khập khiễng.
Tuy nhiên, nếu được lựa chọn. Các anh chị em nên lựa chọn những chuyên gia đã thực tế chinh chiến trong ngành rồi. Và tốt hơn nữa là chọn những chuyên gia phù hợp với mô hình kinh doanh của mình.
Nói là kinh doanh ăn uống nhưng mà Mô Hình thì có muôn hình vạn trạng. Không có giải pháp nào giải được hết cho tất cả hết.
Mô hình nhà hàng, khách hàng ngồi lại lâu thì cần tập trung dịch vụ và sản phẩm tại chỗ. Nhưng mà nhà hàng cũng có dạng dành cho khách du lịch, dành cho dân dịa phương, dành cho sinh viên.
Mỗi đối tượng như thế lại có cách làm rất khác nhau. Và tình hình kinh doanh, lợi thế cạnh tranh của mỗi quán cũng khác, dẫn tới cách làm cũng sẽ rất khác nhau.
Cho nên việc đầu tiên khi tìm kiếm giải pháp chính là phải hiểu về mô hình mình đang kinh doanh.
Cần trả lời được các câu hỏi gốc rễ.
- Tui đang bán cái gì? Nhiều người nói bán cà phê xong tập trung vào ly cà phê, bỏ mặc không gian xung quanh. Khách tới vừa ồn vừa nóng thì sao mà ngồi được. Họ đi. Bởi vậy mô hình takeaway ra đời. Mô hình chỉ tập trung vào sản phẩm. Còn khách mà ngồi uống cà phê người ta bán không gian, bán trải nghiệm. Cụ thể hơn là bán cuộc nói chuyện với đối tác, bạn bè chứ không phải đơn thuần ly cà phê. Nhầm lẫn trong việc mình bán cái gì thì sẽ lạc lối câu hỏi tiếp theo làm cái gì.
- Tui đang bán cho ai? Mỗi lần tui hỏi câu này, các anh chị em đều nói em bán cho càng nhiều người càng tốt. Cái này là tất nhiên rồi nhưng mà phải có một nhóm chính chứ. Những nhóm khác mà mua tất nhiên vẫn bán nhưng mà phải có một nhóm cụ thể. Và sự cụ thể ở đây là chúng ta đang giải quyết cho họ một nhu cầu cụ thể. Ví dụ họ muốn tỉnh táo và nhanh nên mới ra đời mấy xe takeaway cà phê gần văn phòng. Ngon dở không biết nhưng trước tiên uống cho tỉnh táo đã. Phải biết được cụ thể mình đang phục vụ nhu cầu chính nào của khách hàng thì mới phát triển sản phẩm được tốt nhất chứ đúng không?
- Vì sao phải chọn tôi? Mỗi nhu cầu, mỗi nhóm khách hàng sẽ có câu trả lời khác nhau. Bởi vậy nếu mà làm survey sẽ bị rối vì nhiều đáp án quá. Thực tế là những cái đó mình phải lập kế hoạch trước. Bán cho ai, nhu cầu nào thì sẽ trả lời được vì sao chọn tôi. Ví dụ như bán sự tiện lợi thì tất nhiên phải làm sao nhanh nhất, gần nhất. Bán sự hứng khởi, tỉnh táo thì tất nhiên phải thể hiện sự vui tươi, tương tác các thứ. Mình không cần là nhất của thị trường, nhưng mình là nhất trong các sự lựa chọn khả thi của khách hàng là được rồi. Sẽ không ai chạy xe 10km chỉ để mua 1 ly cà phê ngon đúng không?
- Mô hình kinh doanh của tôi thế nào? Câu này khó hơn vì nó quyết định được các thứ mình sẽ làm và không làm. Đã bán takeaway rồi thì đừng có bày thêm mấy cái ghế cho khách ngồi lại. Ngồi lại thì phải thêm một đống hoạt động ngầm đi kèm như dọn dẹp, lau chùi, khách gọi thêm, chỗ để xe… Mô hình cần rõ ràng và tập trung còn không thì cứ sẽ mãi lạc lối. Sống không sống mà chết cũng không chết. Cứ mãi lặc lìa thì mình là người lỗ nhất, thời gian của mình làm việc khác còn ra được nhiều tiền hơn. Năng lực quyết định chọn những thứ mình sẽ không làm cũng là một năng lực cần phải rèn luyện. Nếu không xác định những thứ không làm, sẽ đến một lúc rối ren ai khuyên gì cũng nghe. Xong rồi lạc lối, mãi hoài không có đường ra chỉ còn đường là dẹp quán. Làm cái khác. Đừng như vậy.
Làm sao để biết mình đúng?
Thật ra cũng không có gì cao siêu. Cách đơn giản nhất là đi tìm người thành công nhất trong mô hình mà các anh chị em đang theo đuổi.
- Nếu là takeaway, ai đang làm tốt nhất. Họ đang vận hành thế nào? Mình học được gì từ họ?
- Nếu là nhà hàng thì phân khúc thế nào? Ai đang là đáng học nhất trong cùng phân khúc của mình? Họ có gì hay không?
- Có nhiều thứ mình thấy nếu làm thì sẽ tốt hơn, vì sao họ không làm nhỉ?
Hãy viết hết những thắc mắc, những điều học được từ họ. Xong áp lại trên quy mô của mình.
- Họ lớn, mình nhỏ liệu mình có thể làm được như họ không?
- Hoặc có cách nào để làm được như họ nhưng tốn ít tiền thậm chí không tốn kém hay không?
Giải pháp vốn là phơi bày ra trước mắt mình hết, tại mình không dùng đôi mắt thông thái để quan sát thôi. Mọi thứ đều có câu trả lời sẵn hết rồi.
(Câu này học trong phim, thấy ngầu quá nên mang dzô minh họa)
Đừng học từ người thành công, bởi vì nguồn lực mỗi người mỗi khác, có nhiều cái đúng với họ nhưng chưa chắc đúng với mình.
Hãy học từ người giỏi nhất trong tầng của mình. Xuất phát điểm tương tự, trải nghiệm tương tự và đạt được những thành công “trong tầm tay với”.
Đừng mơ trăm tỷ, kiếm trăm (triệu) cũng vui lắm rồi. Phù hợp quan trọng hơn tốt nhất.
Luôn là như thế.
Bởi vậy…
Tui rất chăm chia sẻ trải nghiệm của tui về ngành này. Dù tui biết là không phải ai cũng cần những câu chuyện, những giải pháp “nông dân” của tui cho ngành này.
(Nông dân hai lúa nguồn lực ít nhưng mà hiệu quả, thực tế được rồi hehe)
Nhưng mà tui tin ngoài kia vẫn còn rất nhiều anh chị em, giống như tui của quá khứ mấy năm về trước.
Lạc lối, bị chôn thời gian và mồ hôi vào những điều đáng thất vọng.
Nên cứ viết, biết đâu bén duyên đến người cần đọc.
Nghĩ vậy cũng thấy vui.
(Ai rảnh tay chia sẻ cho duyên nó bén lẹ hơn xíu, tui cảm ơn)
Còn anh chị em mình thì sao
Trong mô hình các anh chị em đang kinh doanh, ai đang là người giỏi nhất?
Các anh chị em đang follow sát nút họ chứ, hay là lại đang lạc lối và chạy theo đám đông dẫn dắt bởi các chuyên gia ngoài kia?
Thông Phan,
Thích Truyền Thông, Yêu F&B