Các quán trà sữa đã và đang mọc ra liên tục cho thấy tính “thời thượng” của loại hình kinh doanh này nhưng cũng báo hiệu những sức ép rất lớn cho những người đang đầu tư kinh doanh. Chưa bao giờ việc mở một quán trà sữa lại dễ dàng như hiện nay. Vốn ít thì có thể chọn mô hình nhỏ, bán mang đi, giao đến nhà hoặc bán ở vỉa hè, vốn chỉ vài chục triệu đồng đổ lại. Nếu “mạnh tiền” muốn đầu tư từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng thì có đầy rẫy các hệ thống nhượng quyền. Theo đó, các thương hiệu trà sữa lớn sẽ chia sẻ về thiết kế, công thức, bán nguyên vật liệu, đào tạo nhân viên… tất tần tật.
So với việc mở một nhà hàng, quản lý khâu bếp núc phức tạp thì mở một quán trà sữa lại tương đối dễ dàng. Kèm theo đó, lại là suất sinh lời nghe có vẻ hấp dẫn, chẳng hạn khả năng thu hồi vốn chỉ khoảng trên dưới hai năm cũng kích thích dòng vốn chảy vào trà sữa.
Một hiện tượng nhìn có vẻ hơi phi lý nhưng đang diễn ra, đó là việc các quán trà sữa giờ không còn đông nườm nượp như trước, thậm chí có quán còn vắng khách, nhưng số lượng quán vẫn đang tiếp tục mọc ra. Nguyên nhân thứ nhất, như đã nói ở trên, do các quán nhỏ tiết kiệm chi phí, bán giá thấp lấy số lượng bù vào nên vẫn có thể sống. Nguyên nhân thứ hai, quan trọng hơn, đó là với các thương hiệu trà sữa lớn, giờ đây việc mở mới phần lớn theo hình thức nhượng quyền.
Chẳng hạn, một hệ thống trà sữa ban đầu bỏ vốn đầu tư 50 cửa hàng đầu tiên, nhưng đến 50 cửa hàng tiếp theo sẽ tiến hành nhượng quyền. 50 cửa hàng đầu tiên thường chọn các vị trí đắc địa, có sẵn lượng khách nên kinh doanh rất tốt, 50 cửa hàng sau chỉ nhượng quyền, không tốn kém chi phí nên chuyện lãi lỗ của các đối tác này không ảnh hưởng nhiều đến chủ thương hiệu. Cũng cần nói thêm, do rủi ro phân tán, nên từng người đầu tư kinh doanh theo hình thức nhượng quyền cũng sẽ có sức chịu đựng tốt hơn hệ thống lớn.
Tuy nhiên, xu hướng bão hòa là không tránh khỏi và sức ép bắt đầu đè nặng lên nhóm các quán trà sữa theo hình thức nhượng quyền và tiềm ẩn những mâu thuẫn, xung đột. Các cửa hàng nhượng quyền sẽ phải thống nhất về mặt hình ảnh, giá cả, công thức… với chủ sở hữu thương hiệu. Vấn đề là các cửa hàng ra sau sẽ đối mặt với bài toán chi phí tăng cao hơn, dẫn đến định mức chi phí cho một sản phẩm cũng tăng, trong khi phải thống nhất với mức giá trước đây dẫn đến lợi nhuận giảm.
Lúc này, chủ một số quán nhượng quyền bắt đầu có ý định tăng giá, tuy nhiên cần có sự thống nhất từ chủ nhượng quyền, mà điều này không dễ vì còn ảnh hưởng lợi ích của hàng chục, hàng trăm đơn vị khác. Về lý mà nói, các bên nhượng quyền đã “rào” trước bên mua nếu có những hoạt động xé rào sẽ ngưng cung cấp nguyên liệu, dừng cho sử dụng thương hiệu, hình ảnh… Tuy nhiên, cũng không bảo đảm được những thỏa thuận này sẽ được tuân thủ khi tình hình khó khăn. Nói tóm lại, hoạt động kinh doanh trà sữa không còn ở giai đoạn cứ mở là có lãi, thay vào đó là những khó khăn đang dần hiển hiện cho người đến sau.
Theo khảo sát của Lozi – công ty cung cấp ứng dụng chia sẻ trải nghiệm về địa điểm ăn uống, chỉ riêng tại TP.HCM hiện đã có 1.652 cửa hàng trà sữa và khoảng 900 người bán trà sữa online.
Trong khi đó, theo nhận định của các nhà đầu tư, nếu không xác định rõ hướng đi, người kinh doanh dễ bị loại khỏi cuộc chơi khốc liệt này.
Mới đây, Tập đoàn Kido (Việt Nam) cho biết, vào quý II năm nay sẽ hoàn tất thủ tục hợp tác với đối tác Thái Lan để cung ứng cho thị trường Việt Nam các sản phẩm trà sữa đóng chai.
Trước đó, đã có nhiều “ông lớn” Việt như cà phê The Coffee House đã chuyển hẳn một cửa hàng đang kinh doanh cà phê tại Q.1, TP.HCM thành cửa hàng trà sữa; chuỗi nhà hàng ăn uống Golden Gate ra mắt một cửa hàng trà sữa riêng biệt.
Nhiều “ông lớn” khác trong ngành ăn uống như KFC và các nhà hàng Thái, Nhật… cũng đưa món trà sữa vào menu trên toàn hệ thống và món này xuất hiện ở nhiều kênh từ trung tâm thương mại, siêu thị, khu ẩm thực, đến cửa hàng riêng lẻ bên ngoài.
Theo báo cáo của Euromonitor, thị trường trà sữa Việt Nam có giá trị 282 triệu USD vào năm 2016, tốc độ tăng trưởng hằng năm là 20%.
Bên cạnh báo cáo trên, thực tế, tính tới thời điểm hiện nay thì phong trào mở cửa hàng trà sữa liên tục tăng cao. Mức tăng trưởng hấp dẫn này đã thu hút nhiều nhà đầu tư nhảy vào.
Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Tập đoàn Kido đánh giá: “Mảng trà sữa tại Việt Nam khá tiềm năng, trong khi đó, sản phẩm nước uống đóng chai tại Việt Nam chưa đa dạng nên hứa hẹn thị trường trà sữa đóng lon sẽ bùng nổ”.
Giới kinh doanh cho biết, ban đầu trà sữa chỉ được kinh doanh tại các cửa hàng nhỏ lẻ hoặc xe đẩy, không có công thức rõ ràng. Đến năm 2012, khi các “ông lớn” từ Đài Loan xuất hiện, rồi đủ các thương hiệu, phong cách từ Thái Lan, Nhật đến Ấn Độ có mặt… thị trường này bắt đầu “phát triển”.
Hiện nay, trà sữa được chia làm ba nhóm: trà sữa của các “ông lớn”, có thương hiệu khu vực; trà sữa nhà làm và sắp tới còn có trà sữa được chế biến theo dây chuyền công nghiệp. Mỗi nhóm đều đang phát triển theo một hướng riêng để giành khách. Chẳng hạn, trà sữa “ông lớn” thuộc phân khúc cao cấp như Gong Cha, KOI, Royal Tea, R&B, Yuan Cha, Toco Toco, Dingtea, Chago… luôn chú trọng không gian thiết kế bài bản, “độc lạ” hoặc thương hiệu Yutang kết hợp trà sữa và ẩm thực.
Các thương hiệu trà sữa nhà làm thì khẳng định thương hiệu bằng cách quảng cáo nguyên liệu tự làm tại nhà, kết hợp nhiều loại topping (hạt đi kèm) từ công thức tự nhiên.
Riêng về trà sữa đóng lon thì hứa hẹn toàn bộ sản phẩm được làm từ nguyên liệu thiên nhiên của Thái Lan, không phải hương liệu giống các dạng nước uống đóng chai khác.
Nhưng… không dễ ăn!
Theo các nhà đầu tư, kinh doanh trà sữa dễ kiếm lời hơn so với các loại nước uống khác, mỗi ly trà sữa lời khoảng 70%. Tuy nhiên, do ngày càng nhiều thương hiệu trà sữa gia nhập thị trường nên việc cạnh tranh đang diễn ra rất khốc liệt.
Một ông chủ quán trà sữa cao cấp cho biết, để phát triển bền vững, các thương hiệu trà sữa phải nắm bắt đúng thị hiếu, tạo sự khác biệt, lợi thế cạnh tranh. Các trang web của những thương hiệu trên cũng quảng cáo ra rả về việc cho nhượng quyền thương hiệu. Không ít người thấy kinh doanh trà sữa dễ kiếm lời nên “nhảy” vào xin nhượng quyền.
Tuy nhiên, không phải kinh doanh nhượng quyền các thương hiệu trà sữa nổi tiếng là đảm bảo lợi nhuận, nhất là khi công ty mẹ gặp sự cố.
Chẳng hạn như vào tháng 5/2016, lực lượng chức năng phát hiện một thương hiệu trà sữa F.T nổi tiếng và tồn tại khá lâu tại Việt Nam sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc. Hơn 10 cửa hàng nhượng quyền của thương hiệu này trong phút chốc phải đóng cửa vì ế ẩm.
Vào giữa tháng 1/2018, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với công an H. Từ Liêm phát hiện kho hàng của thương hiệu trà sữa Heekcaa (một thương hiệu nhượng quyền từ Trung Quốc) chứa nhiều nguyên liệu không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ.
Tiếp đó vào cuối tháng 1/2018, đoàn kiểm tra liên ngành số 1 của TP. Hà Nội về an toàn vệ sinh thực phẩm phát hiện cửa hàng trà sữa trân châu Dingtea (thương hiệu nhượng quyền từ Đài Loan) có nguyên liệu trân châu không rõ nguồn gốc. Các thương hiệu trên đều có hàng chục chi nhánh khắp cả nước. Ngay sau “bê bối” này, hiện các chi nhánh của thương hiệu vẫn hoạt động nhưng lượng khách ngày càng ít.
Chưa kể, phí nhượng quyền của các thương hiệu trà sữa này hiện nay không nhỏ. Nếu thương hiệu nhỏ trong nước có giá chuyển nhượng từ 300 triệu – 500 triệu đồng; các thương hiệu lớn mang tính khu vực có giá đến… 5 tỷ đồng.
“Họ còn bắt phải nhập trước một container nguyên vật liệu/3 tháng, trị giá từ 400 triệu – 600 triệu đồng. Những nguyên vật liệu này đóng thành bao/thùng, bên ngoài dán tờ giấy trắng nhỏ xíu là tên thương hiệu trà sữa, chi chít tiếng Trung Quốc, không hề có tiếng Việt theo quy định nhập khẩu. Nếu trong thời gian đó, cửa hàng nhượng quyền bán không hết đành phải ôm hàng, chịu lỗ vốn” – chị Mỹ, chủ cửa hàng từng nhượng quyền một thương hiệu trà sữa ngoại, cho biết.
Theo giám đốc một công ty kinh doanh trà sữa, hiện có thực trạng 2-3 thương hiệu trà sữa của cùng một công ty mẹ nhưng khi nhượng quyền sang Việt Nam lại được sở hữu bởi các công ty khác nhau.
Người tiêu dùng khó biết được đó có phải là thương hiệu có bản quyền hay không. Vì thương hiệu không có bản quyền sẽ không chịu sự kiểm tra, kiểm định chất lượng sản phẩm từ công ty mẹ và các bên liên quan.
Ngoài ra, mặt bằng kinh doanh cũng là yếu tố gây khó cho các thương hiệu trà sữa. Sự phát triển nhanh của thị trường thức uống này khiến các “ông chủ” kinh doanh trà sữa ngày càng khó thuê mặt bằng ở khu vực trung tâm. Nếu gặp đối tác sở hữu mặt bằng không ổn định, người kinh doanh gặp không ít rủi ro.
Đơn cử như tại một khu ẩm thực trên đường Ngô Đức Kế (Q.1), giá thuê mặt bằng vào năm 2016 khoảng 20 triệu đồng/4m2 thì đến năm 2017 tăng lên 30 triệu đồng.
Trong năm 2017, có thương hiệu Trà sữa M.W nổi tiếng Đài Loan, dù phát triển ở các địa chỉ khác nhưng lại “thất thủ” ngay trung tâm của Q.1, TP.HCM. Bởi tại khu vực này đã có những thương hiệu trà sữa đẳng cấp “đóng đô”.
Chỉ sau 3 tháng, cửa hàng này phải đóng cửa vì trước đó không tìm hiểu kỹ cách thức vận hành của trung tâm ẩm thực này (trung tâm buộc bị đóng cửa do gây tác hại đến môi trường). Số tiền lỗ vốn đã lên đến hàng tỷ đồng.
Có thể nói, phong trào uống trà sữa đang phát triển mạnh và chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhiều đối tượng, đại gia kinh doanh ẩm thực cũng ồ ạt đầu tư lĩnh vực này theo các xu hướng mới. Thị trường càng bùng nổ, nhà đầu tư càng gian nan.
Nguồn: sưu tầm