in

THÂN GỬI CÁC “TAY MƠ” CÓ Ý ĐỊNH MỞ QUÁN

Vâng, nói như này có vẻ hơi láo nhưng nhìn cảnh quán mở rồi lại đóng, bản thân mình là người trong nghề cảm thấy xót xa vô cùng.

Em chả hiểu các bác nghĩ thế nào, dựa vào đâu mà lại nảy sinh ý định mở quán được … Dù biết ờ thì kinh doanh là phải liều, đôi lúc cũng phải cương quyết và rắn !!! Nhưng kinh doanh mà không biết gì về cái mà mình định làm định đầu tư thì thú thật em thấy các bác quá liều.

Bản thân em là thằng đi lên từ lúc còn sóc bình, còn cầm chổi còn dắt xe, đẩy thùng mà đi tư vấn còn chưa bao giờ mở mồm gạ người ta mở quán !!

Có câu ghét ai thì ” hãy xúi họ mở nhà hàng ” thì các bác phải biết cái ngành này nó dở hơi như thế nào nó dở hơi ở chỗ là đến cái thằng kinh nghiệm đầy mình, sẹo vá đầy người, đầu tóc thì toàn sỏi còn thất bại bởi cụm từ ” thiên thời – địa lợi – nhân hòa ” thì các bác lấy gì ra đảm bảo mình mở ra kinh doanh sẽ thành công ?

Trong khi ngược lại thi thoảng ở đâu lòi ra 1 ông chả biết cái gì về sản phẩm chả biết cái gì về dịch vụ tự nhiên lại có những 300 cửa hàng nhượng quyền, đấy cái ngành mà các bác đang có ý định lao vào nó dở hơi thế đấy. Có thể các bác vẫn còn tự hào bởi khao khát bởi nhiệt huyết, tâm huyết… mà muốn lao đầu vào, thì em khuyên chân thành các bác ít nhất phải nắm được 3 thứ khi lao đầu vào mở quán, đó là…

1. Phải có người quản lý + kinh nghiệm quản lý

Bây giờ mở quán ra thì ai là người chịu trách nhiệm chính? Ai là người sẽ giám sát xử lí những công việc ở cửa hàng? Từ đào tạo, giám sát, nhân viên cho đến quản lý chất lượng sản phẩm + quy trình làm việc? Kể cả các bác đứng ở đó cả ngày, em tin các bác cũng chả biết làm cái gì ngoài việc chơi game ngồi chờ khách. Nên thay vì tìm 1 lớp pha chế tổng hợp, hãy tìm cho mình 1 khóa học quản trị quản lý, hoặc kỹ năng bán hàng.

Đến ngay cả các bác có tiền, bỏ tiền ra mua thương hiệu thì thương hiệu đó cũng phải xem các bác là ai, làm việc toàn thời gian hay bán thời gian… họ tìm hiểu chán mới đồng ý cho các bác làm, chưa kể khi đó các bác còn phải cắp sách đi học về sản phẩm, học về văn hóa thương hiệu. Không thì cả cái thương hiệu của người ta các bác lấy về phá à? Đúng không?

2. Phải có vị trí đẹp

Ơ! Thế làm sao để có vị trí đẹp? Vị trí đẹp có phải là mặt tiền 8m? 2 tầng to ú ụ ngay giữa ngã tư lớn? Hay vị trí đẹp là vị trí thuận tiện có nhiều Khách Hàng Mục Tiêu nhất? Thế làm sao để tìm được khách hàng mục tiêu? Họ là ai? Trông như nào? Thu nhập ra sao? Menu nên để giá bao nhiêu là hợp lí?

Vị trí đẹp ở thành phố với ở huyện thì có gì khác nhau? Nếu ở thành phố thì nên bán đồ hiện đại hay truyền thống? Ở huyện thì như thế nào?

Ôi cha mẹ ơi. Nể nhất các bác khi mình hỏi, họ trả lời rất to và dõng dạc: Em chưa nghĩ đến anh ạ! hoặc kiểu: Thế thì em mới nhờ anh hoặc: Anh setup cho em nhé. Chưa kể nhiều người còn đề nghị luôn là setup xong thì Anh về làm cho em nhé.

Đấy! Nói ra có khi lại tự ái, nhưng mà đúng thật cái câu chuyện bây giờ nó là như thế

3. Có người định hướng

Đi nhanh thì đi 1 mình – nhưng nếu đi xa thì phải đi cùng nhau.

Nên tìm sư phụ cho mình để học hỏi và được chỉ dẫn trong từng giai đoạn phát triển. Bạn không thế nào tự làm 1 mình được đâu, bởi vì đây là ngành rất linh động, thay đổi theo từng ngày. Xu hướng cũng thay đổi liên tục, trước những cơn bão lớn luôn cần có những người đủ kinh nghiệm để làm hoa tiêu cho bạn, nếu muốn đi xa.

Thêm nữa, cần phải học thêm cả cách quản lý dòng tiền, quản lý tài chính. Khuyến khích tự trả lương cho mình, chứ không nên đút túi vì đó là tiền của cửa hàng, là tiền của công ty. Sau này tới lúc nào đó cửa hàng cũng cần phát triển, cũng cần tái đầu tư… đúng không nè?

Nguyễn Minh Tuấn

Bạn thích quán này chứ?

503 Points
Upvote Downvote
Nhận thông báo qua email
Nhận thông báo cho
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Giải nghĩa công thức tính điểm hoà vốn

Cách Kiểm Tra Quán Khi Quyết Định Chọn Quán Sang Nhượng