in

8 bước chọn mặt bằng để mở quán cà phê

1. Chi phí đầu tư


Khi quyết định kinh doanh một ngành nghề nào đó, việc đầu tiên là bạn cần một số vốn cần thiết để đầu tư cho công việc kinh doanh. Đối với việc chọn địa điểm để mở quán cafe, nhà hàng thì chi phí thuê mặt bằng là một trong những khoảng chi phí lớn và sẽ quyết định đến việc kinh doanh có phát triển không. Có thể chọn một trong hai phương án để trả chi phí thuê mặt bằng:

  • Trả trong thời gian dài: thuê và trả tiền 1 lần/năm hoặc trả theo mốc thời gian. Với hình thức này thì người thuê hoàn toàn yên tâm, không sợ bị ảnh hưởng về việc bị lấy lại mặt bằng kinh doanh bất cứ lúc nào. Và khuyết điểm của hình thức này là các chi phí bỏ ra lúc đầu quá lớn, và không tận dụng linh hoạt được nguồn vốn, bị đóng băng vốn.
  • Trả chi phí linh hoạt hàng tháng, 3 tháng hoặc 6 tháng, nhưng phải cam kết thời gian thuê lâu dài với chủ. Thuê và trả tiền theo cách này thì ưu điểm là chi phí ban đầu không quá lớn, không bị ứ đọng vốn, nhưng khuyết điểm là mặt bằng quán cafe, nhà hàng có thể bị lấy bất kì lúc nào.

2. Tìm và thuê mặt bằng mở quán cafe

Vị trí mở quán cafe là một trong những yếu tố quyết định đến sự thành bại của quán. Thông thường để xem xét vị trí của nơi cho thuê mặt bằng quán cafe có tốt hay không, chúng ta cần xét đến các yếu tố:

  • Mặt bằng bán quán cafe ở gần những khu vực tập trung nhiều tòa nhà văn phòng, các trung tâm thương mại, những trung tâm mua sắm, những nơi có nhiều người qua lại,.. Khảo sát xem mặt bằng đó có nằm trong khu vực quy hoạch hay không, hệ thống cống thoát nước, đường điện nước, đường gas, có đảm bảo hay không…
  • Địa điểm thuê mặt bằng không nên nằm trong hẻm cụt, khu vực hay kẹt đường,hay mặt bằng ở những vị trí nhỏ không có chỗ để xe,… sẽ gây bất tiện cho khách hàng khi họ vào sử uống cafe tại quán bạn.
  • Thuê mặt bằng mở quán cafe thường đồng nghĩa với việc chủ quán sẽ phải tu sửa lại mặt bằng theo ý mình. Trước khi thuê mặt bằng hãy xác định trước xem mặt bằng đó có cần tu sửa nhiều không? Chủ nhà có thể hỗ trợ gì không? Từ đó cân nhắc cho phù hợp với ngân sách đầu tư của các bạn. Bạn cũng nên trình bày ý muốn tu sửa của mình cho chủ nhà để thuyết phục họ đồng ý cho phép bạn thay đổi không gian mặt bằng đó.

3. Xem xét kỹ hiện trạng mặt bằng

Đừng vội quyết đặt thuê mặt bằng kể cả khi thấy giá cả và địa điểm hợp lý. Bạn cần kiểm tra kỹ càng tình trạng hiện tại của mặt bằng đó. Xem xét xem cho chỗ gửi xe không? Sức chứa tối đa là bao nhiêu? Cần khoảng chi phí như thế nào để cải tạo và sửa chữa lại?

Bạn không nên bỏ qua yếu tố bãi đậu xe của khách. Với văn hóa giao thông của Việt Nam yêu thích phương tiện cá nhân hơn thì mỗi khách hàng đến quán bạn đều có 1 xe. Bạn cần sắp xếp chỗ để xe phù hợp tránh làm ảnh hưởng đến trật tự giao thông.

4. Diện tích mặt bằng kinh doanh quán cafe

Sau khi quyết định ngân sách đầu tư chọn địa điểm để mở quán cafe thì việc đầu tiên bạn cần chú ý đó chính là diện tích mặt bằng quán cafe. Việc lựa chọn diện tích mặt bằng nhỏ hay lớn tùy thuộc vào hình thức kinh doanh và khả năng tài chính của bạn. Tùy vào mục đích sử dụng và phong cách của quán để lựa chọn diện tích phù hợp.

Nếu bạn muốn mở quán cafe sân vườn thì phải chọn diện tích rộng rãi, thoáng mát, và ngược lại nếu bạn chọn phong cách sang trọng thì diện tích quán có thể nhỏ hơn chút nhưng vẫn phải đảm bảo không gian trang trí bên trong.

Ngoài ra, quán cafe cũng cần bố trí đủ ánh sáng và thoáng đãng, cách bày trí nội thất phải thể hiện được sự sáng tạo và gu thẩm mỹ của chủ quán. Có thể tham khảo các chuyên gia thiết kế về những ý tưởng của mình để họ có thể tư vấn cho bạn.

5. Xác định đối tượng khách hàng

Để lựa chọn địa điểm mở quán cafe phù hợp, các bạn cần định hướng được chính xác đâu là đối tượng khách hàng chủ yếu mà quán cafe đang muốn hướng tới?

Nếu bạn có ý định chọn mặt bằng kinh doanh quán cafe văn phòng, thì đối tượng khách hàng chính là nhân viên văn phòng. Do đó bạn cần thuê mặt bằng kinh doanh ở gần những khu vực tập trung nhiều tòa nhà văn phòng, các trung tâm thương mại.

Nếu khách hàng bạn muốn nhắm tới là sinh viên, bạn nên tìm địa điểm ở gần các trường Đại học, nhà văn hóa,…Tuy nhiên, chi phí thuê mặt bằng ở đây có thể hơi mắc nhưng bù lại bạn có thể thu hút nhiều khách hàng hơn và bán giá cao hơn.

Nếu khách hàng bạn muốn hướng tới là tầng lớp bình dân, xe ôm, công nhân, thợ hồ,… thì bạn chọn mặt bằng để mở quán ở khu vực buôn bán hay gần các chợ, các xí nghiệp và nên kinh doanh theo hướng cafe cóc, cafe vỉa hè, hoặc nhà trệt không cần máy lạnh.

6. Hợp đồng cho thuê và thời hạn thuê

Để kinh doanh ổn định và bắt đầu có lời thì ít nhất hoạt động kinh doanh của bạn phải hoạt động ít nhất từ một năm trở lên. Để yên tâm hơn về địa điểm kinh doanh thì nhà bạn nên chọn thời gian ký hợp đồng khoảng 2 năm, nếu công việc kinh doanh tốt và phát triển hãy tiếp tục gia hạn hợp đồng, lúc này có thể từ 5 đến 10 năm, tùy vào khả năng tài chính và có thể mua lại nếu có điều kiện.

7. Giấy phép xây dựng, tưởng dễ mà lại phức tạp không tưởng

Các vấn đề liên quan đến Giấy phép xây dựng thực sự là phức tạp và khó hiểu đối với các chủ đầu tư tay ngang. Đây là điều mà rất nhiều Chủ đầu tư không hiểu và không lường trước được trong kế hoạch kinh doanh vì sự thiếu am hiểu về các thủ tục, quy định về giấy phép xây dựng. Nếu bạn thuê một căn nhà và gần như hoàn thiện không cần sửa chữa nhiều thì gần như bạn có thể tiến hành kinh doanh được ngay. Bằng không, bạn hãy đọc thật kỹ bài viết này để có thêm kiến thức trước khi triển khai kinh doanh nhé.

Khi bạn thuê một mặt bằng, rất có thể bạn đang ở một trong những trường hợp bên dưới.

Trường hợp 1:

Bạn thuê được căn nhà ưng ý với mô hình và hầu như không cần thay đổi nhiều, chỉ cần đặt để bàn ghế, trang thiết bị và trang trí nhẹ mà không thay đổi khả năng chịu lực, kiến trúc và diện tích xây dựng, không thay đổi kiến trúc bề mặt đường thì tôi chúc mừng bạn. Hãy nhanh chóng bắt tay vào việc chuẩn bị chạy thử rồi khai trương.

Trường hợp 2:

Sửa nhà nâng tầng, tăng diện tích xây dựng, thay đổi kết cấu công trình. Bạn cần xin Giấy phép sửa chữa cải tạo nhà ở hoặc công trình. Việc thay đổi kết cấu công trình khá phức tạp, bạn cần phải có báo cáo thẩm định kết cấu móng của đơn vị chuyên nghiệp thì mới đủ hồ sơ làm giấy phép.

Trường hợp 3:

Xây mới – Theo mô hình nhà ở. Có khả năng không cần chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Chỉ cần xin giấy phép xây dựng.

Trường hợp 4:

Xây mới theo mô hình kinh doanh F&B. Cần chuyển đổi mục đích sử dụng đất trước khi xin Giấy phép xây dựng.

Các thủ tục bạn có thể cần giải quyết bao gồm:

  • Chuyển đổi mục đích sử dụng đất
  • Xin Giấy phép xây dựng

8. Để xe nhân viên và khách hàng trên vỉa hè có hợp pháp?

Dân gian có câu “Phép vua thua lệ làng” văn hoá ấy vẫn luôn được gìn giữ và phát triển đến ngày hôm nay. “Lệ làng” là một thể loại văn hoá độc đáo tại mỗi địa phương và chỉ nên được đưa ra chém gió ở các quán trà chanh, café. Giới hạn của bài này đề cập đến “Phép vua” tức là Luật và các quy định của nhà nước mà Chủ đầu tư F&B cần nắm vững.

Không khó để bạn bắt gặp những địa điểm kinh doanh F&B sử dụng vỉa hè làm khu vực đậu xe chính. Một số thì chấp hành tốt quy định giúp cho người đi bộ qua lại được dễ dàng nhưng không ít cơ sở kinh doanh lấn chiếm hết vỉa hè khiến người đi bộ không còn lối đi riêng và dễ gặp nguy hiểm khi lưu thông. Câu hỏi được đặt ra là việc để xe máy trên vỉa hè có hợp pháp?

Theo các quy định nhà nước, vỉa hè là tài sản công, tài sản chung do nhà nước quản lý, việc lấn chiếm nhằm bất cứ mục đích gì không có sự cấp phép của cơ quan quản lý chức năng đều có thể coi là bất hợp pháp. Do thực tế chung của các đô thị lớn là quỹ đất hạn hẹp không đảm bảo chỗ để xe máy nên UBND Tp.HCM và các đô thị lớn đã ra quy định cho phép sử dụng một phần vỉa hè làm chỗ đậu xe máy nhưng nếu muốn sử dụng thì phải được cấp một loại giấy phép mang tên “GIẤY PHÉP SỬ DỤNG TẠM THỜI VỈA HÈ”.

Nguồn: Linh Nguyễn

Bạn thích quán này chứ?

505 Points
Upvote Downvote
Nhận thông báo qua email
Nhận thông báo cho
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tổng hợp góc quán đẹp (1)

Tổng hợp góc quầy bar đẹp (1)