in

Cạnh Tranh F&B Như Thế Nào Khi Không Đủ Tài Chính?

Hôm nay mình chia sẻ thêm kinh nghiệm cá nhân của mình trong lĩnh vực F&B nhé, và bài viết này chỉ giành cho những bạn muốn đi lên nhưng vốn không mạnh, không đủ tài chính để đầu tư view sống ảo như mình.

1. “Vốn không mạnh” thì tiêu chí kinh doanh phải rõ ràng: chất lượng sản phẩm quan trọng hơn vị trí cửa hàng, vị trí cửa hàng quan trọng hơn kích thước cửa hàng (ví dụ với tài chính có hạn thì bạn nên chọn một mặt bằng nhỏ ở trung tâm thay vì mở quán to hơn nhưng ở xa trung tâm hơn, quán mình lúc đầu 40 mét vuông nhưng ở gần trung tâm và trường học).

2. Định hình được 1, 2 điểm mạnh nhất của bạn (ví dụ ở mình là bộ sản phẩm trà sữa healthy rau củ quả hạt và tốc độ giao hàng cho khách rất nhanh, khách còn trêu mình là “thần gió”) để nó trở thành “hiện tượng” nơi bạn kinh doanh và cũng là doanh thu chính của bạn.

3. Marketing miễn phí bằng cách khéo nói để nhờ khách đăng bài lên mạng xã hội khi có sản phẩm mới, vì mỗi cá nhân sẽ có một lượng bạn bè tin dùng 100% trên mạng xã hội, cứ đăng lên là có người tin và đi tới uống thử, cách này là hiệu quả nhất và không tốn phí. Để làm được điều này trong đầu phải luôn có câu, “Mặt dày không chết, sỉ diện mới chết”.

4. Marketing có tốn phí trên fanpage của quán hoặc liên hệ các trang lớn tại khu vực bạn kinh doanh vào đúng dịp như có món mới, món hottrend (Ví dụ như sữa tươi trân châu đường đen cách đây 2 – 3 năm, trà sữa trứng chảy dừa nướng cách đây vài tháng…).

5. Luôn nhắc nhở trong đầu: mình tồn tại nhờ chất lượng sản phẩm, không phải nhờ giảm giá hay khuyến mãi, khuyến mãi và giảm giá là con dao 2 lưỡi, phải thực sự cần mới dùng (ví dụ như quán mình bán trên 5 năm nhưng số lần giảm giá chưa quá 5 lần).

6. Khi làm được các điều trên dần dần mức độ phổ biến của thương hiệu tăng lên, cố gắng biến khách hàng mới thành khách hàng trung thành, càng có nhiều khách hàng trung thành bạn càng thành công.

7. “Làm chủ” nên hiểu ở đây là “chủ động” chứ không phải là “chủ – tớ”, chủ động linh hoạt giữa các vị trí trong quán để giúp đỡ các bạn nhân viên từ bếp, pha chế, thu ngân order, thậm chí giữ xe, ship hàng… tuỳ mức độ cần thiết trong từng trường hợp.

8. Giải quyết được bài toán đau đầu nhất “nhân viên nghỉ, hụt người làm” bằng cách tuyển những người có độ tuổi lớn (khả năng nhảy việc thấp) vào vị trí cần thời gian đào tạo lâu như bếp, pha chế, múc thạch, còn các vị trí phục vụ công việc dễ thì tuyển độ tuổi sinh viên (trẻ trung, năng động và dễ thay thế khi có biến) và đừng tiếc tiền nâng lương hay tiền thưởng cho những người làm có tâm bạn nhé.

9. Nghĩ ra được những cách cạnh tranh F&B riêng (ví dụ: mình từng bán trà sữa tới 2h sáng trong giai đoạn đầu ra mắt bộ sản phẩm trà sữa healthy rau củ quả hạt, thì khung giờ đêm 10h – 2h sáng không có đối thủ nào bán cả, mình sẽ bán cho một lượng khách hàng có nhu cầu uống khuya rất lớn đồng thời nhờ họ quảng cáo lên mạng xã hội giúp là quán mình có bán trà sữa khuya, như vậy nếu đồ bạn ngon thì họ sẽ chuyển sang uống ngày nữa, rồi dần dần có tiếng thì không bán khuya nữa kẻo hại sức khoẻ.

10. Sau một thời gian đã có vốn và lượng khách trong tay, uy tín được khẳng định mình lại tiếp tục đánh vào mảng dạy học và nhượng quyền thương hiệu. Không ngủ quên trên chiến thắng mà tích cực học hỏi, ra thêm sản phẩm mới, bắt trend và đặc biệt là nâng cấp lại điều “1”, cố gắng để sản phẩm mình nổi trội và đều tay, nâng cấp vị trí mặt bằng gần trung tâm, nâng cấp diện tích, view sống ảo. Lúc đó bạn vừa ngon, vừa tiện đường, vừa to, vừa đẹp thì nhắm coi ai làm lại bạn nào.

Nguồn: Mê Quán – Được chia sẻ bởi bạn Lê Xuân Kỳ

Bạn thích quán này chứ?

503 Points
Upvote Downvote
Nhận thông báo qua email
Nhận thông báo cho
guest

0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Nhiều like nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Giữ Khách Cho Quán Nhờ “Đứng Về Phía Khách Hàng”

Chủ Quán Cần Học Pha Chế Như Thế Nào Cho Đúng Cách?