Hoài có quen một anh bạn đang kinh doanh quán cơm tấm. Vị trí quán thuận lợi vì nằm gần khu công nghiệp. Ban đầu chủ yếu là công nhân và người dân tới ăn, cả học sinh sinh viên gần đó. Đây là lĩnh vực kinh doanh thứ 2 anh chọn. Hiện tại anh đã có 3 cửa hàng vật liệu xây dựng và nội thất.
Anh cũng tâm sự lúc đầu anh mở vì anh thấy vị trí thuận lợi và có tiềm năng nên anh muốn khai thác. Nhưng hiện tại kết quả không như mong muốn. Anh nói cứ đà này thì 3 tháng nữa anh sẽ đóng cửa. Nhìn chung thì quán bây giờ cũng nhỏ, công thức món ăn anh tự học và dạy lại cho người khác nấu. Nhân viên anh thuê hết.
– Em ăn cơm ở quán anh rồi, em thấy thế nào. Mùi vị có phải do dở quá không. Khách đến quán anh tuy ít nhưng khoảng 80% khách quay lại. Nên anh nghĩ không biết có phải do mùi vị không?
– Anh có hỏi cảm nhận của khách không?
– Có. Anh hỏi khách, khách nói nước chấm vừa miệng, cơm thì khách không chê. Khách không phàn nàn gì nhiều về mùi vị, ngoài khách miền tây thì họ thích ngọt hơn thôi.
– Em thấy cơm ngon, hợp với khẩu vị em nè. Không phải do mùi vị, nhưng nguyên nhân gì để em tìm hiểu thêm mới biết. Nhưng mà những quán xung quanh họ bán rất đông, còn không có chỗ ngồi. Quán anh vậy là quá ế rồi còn gì. Anh đã thử qua bên đó ăn chưa?
– Anh chưa ăn.
– Vậy anh có mua về dùng thử không?
Anh cũng nói không.
– Kinh doanh bao lâu nay. Anh coi chứ bệnh sĩ chết trước bệnh tim đó. Haizz
Nói xong. Hôm sau con bé mò qua các quán kia ăn thử. Đứng xếp hàng chờ mua cơm mà mồ hôi mẹ mồ hôi con nó chảy ròng rã. Con bé ăn 1 phần và mua thêm mấy phần của nhiều quán mang về. Ăn xong con bé vẫn không biết có gì khác biệt, đưa nhân viên và anh bạn cùng ăn. Thấy mùi vị cũng không có gì lạ lắm, có nơi còn mặn hơn và nhiều dầu mỡ hơn.
Sau một hồi tắm mát tỉnh táo. Hoài nói với anh bạn:
– Quán anh ế không phải do mùi vị, không phải do chất lượng. Mà vì anh đi sau người ta mà anh cũng không có gì khác biệt.
– Còn gì nữa không?
– Em muốn ăn một quán sạch sẽ hơn, có máy lạnh, một nơi không cần quá sang trọng, nhưng phải sạch sẽ và gọn gàng. Tất cả các quán đều giống nhau. Cũng những món thường ngày nhưng mà người ta làm 2 năm còn anh mới 6 tháng. Anh làm sao cạnh tranh lại được nếu anh không có gì nổi bật. Hương vị quen thuộc vẫn là sự chọn lựa ưu tiên hơn mà.
– Khu công nhân mà em, người ta ăn với giá rẻ, và no là ok rồi.
– Đúng rồi nè! Nhưng em đâu nói anh bán cho công nhân đâu. Ở xung quanh đây cũng có rất nhiều công ty. Ý em muốn nói là nâng cấp lên một quán cơm văn phòng. Anh sẽ có một tệp khách hàng riêng. Những người muốn ăn rẻ và no họ sẽ qua quán cơm tấm vỉa hè. Còn những người muốn ăn mát mẻ, thoáng mát, sạch sẽ và tin cậy cao sẽ tới quán của anh. Họ hoàn toàn có thể chi trả cho đồ ăn bên anh mà. Còn không lúc đầu anh cứ giữ mức giá ban đầu rồi thêm mức giá văn phòng cũng được.
– Bây giờ anh đầu tư thêm máy lạnh, làm lại cái bảng hiệu chỉn chu một xíu, trang trí thêm cây xanh nữa là đẹp. À wifi căng đét nữa nhé. Đó là quan điểm của em. Quyền quyết định là ở anh. Thôi em về đây.
Một thời gian sau. Khoảng 3 tháng thì phải, anh khoe với Hoài anh không những có khách văn phòng mà còn tăng cường marketing online thêm. Anh chạy quảng cáo quét khu vực 5km xung quanh anh. Nên có một vài đơn đặt hàng của các công ty. Họ đặt theo suất có chỗ 30 suất, chỗ 50 suất để phục vụ sau họp và sự kiện.
Bài học ở đây là: Cạnh tranh không nhất thiết phải giẫm đạp lên nhau mà sống. Cũng không nhất thiết phải đối đầu trực diện để rồi sứt đầu mẻ trán.
Nơi nào có tiềm năng nơi đó có cạnh tranh. Nếu sản phẩm của bạn không có ai cạnh tranh thì chứng tỏ bạn đang chơi một mình trong một cuộc đua. Kiểu như là không ai thèm chơi với bạn, bạn chơi mình bạn vậy đó.
Theo Hoài thấy cạnh tranh tốt nhất là tương trợ lẫn nhau hoặc cạnh tranh mà như không cạnh tranh. Đoạn này nghe có vẻ vô lý phải không.
Tức là đường tui tui đi. Đường anh anh đi. Anh có chiến lược của anh, tui cũng có chiến lược của tui. Tui không lấn đường anh. Anh cũng không cần phải xâm phạm đường của tui mới sống được.
Học hỏi là điều bắt buộc trong quá trình kinh doanh. Nhưng đi sau mà còn sao chép thì tỷ lệ rủi ro là rất cao. Nếu muốn tồn tại bạn phải liên tục nâng cấp mình để khác biệt.
Lê Phương Thảo