Trong bối cảnh thị trường F&B Việt ngày càng phát triển, việc dự báo và nắm bắt được những xu hướng mới trở thành chìa khóa quan trọng để các doanh nghiệp thành công. Đặc biệt, với một năm được dự đoán sẽ có nhiều biến động như năm 2024 thì việc nắm bắt các xu hướng mới một cách nhanh chóng và kịp thời càng có ý nghĩa lớn hơn với các chủ kinh doanh.
1. Lối kinh doanh “cộng sinh” sẽ được ưu tiên
Đây là hình thức kinh doanh cộng tác giữa những thương hiệu có tệp khách chung. Dựa trên việc có giao thoa về tệp khách để tạo nên những chương trình như Cross Sale (Bán chéo) hay Co-branding. Qua đó giúp các thương hiệu cộng tác nâng cao doanh số và nhận thức của khách hàng về thương hiệu.
Trong ngành F&B, đã từng có những màn hợp tác rất thành công như thương hiệu cà phê Ka… hợp tác với Uniqlo, Phê La hợp tác với MLB, hay The Coffee House với LG… Theo nhiều chuyên gia, hình thức kinh doanh “cộng sinh” này được dự đoán sẽ là xu hướng giúp các thương hiệu F&B “đứng vững” trong năm 2024 có nhiều biến động.
2. Mô hình đồ uống kết hợp tiệm “bakery” vẫn chưa hết nóng
Một xu hướng nữa đã xuất hiện và sẽ phát triển trong thời gian tới kéo ngành đồ uống xích gần lại với tiệm “bakery”, đó là sự kết hợp trà, cà phê và bánh. Các thương hiệu sẽ tính đến phương án tích hợp bakery vào trong món đồ uống, hay còn gọi là đồ uống ăn kèm với “topping”. Bakery sẽ là một xu hướng được nhiều người đầu tư trong thời gian tới.
3. Xu hướng nhượng quyền đến từ chính các nhà cung cấp đang nở rộ
Xu hướng nhượng quyền đến từ các nhà cung ứng được cho là sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới. Hiện tại đã có một số dự án, ví dụ như xe hủ tiếu gõ Sài Gòn. Đơn vị sở hữu mô hình nhượng quyền sẽ chế biến nguyên vật liệu trọn gói từ thịt, xương, cho đến nước lèo… rồi đóng gói theo từng túi, mỗi túi định lượng 10 bát, được chuyển đến từng điểm bán.
Mô hình chuỗi nhượng quyền như thế này được coi là kênh phân phối độc quyền, dài hạn và là đầu ra bền vững của các đơn vị sản xuất, chế biến thực phẩm. Thay vì phải thuê đội ngũ bán hàng theo kiểu truyền thống với chi phí cao, các công ty này sẽ tổ chức hệ thống bán lẻ (bán lẻ dịch vụ).
Tham khảo: MekongAsean, Rising Việt Nam