Vài ngày trước, em có đọc được cmt của anh chị trong group nói về việc chủ phải tự đi dọn nhà vệ sinh. Là một người trẻ, em thừa nhận chính mình cũng không tránh khỏi tâm lý “Làm đến từng đấy là được rồi, không việc gì phải cố gắng thêm”. Để tất cả các bạn nhân viên quán tự nguyện dọn nhà vệ sinh trong vui vẻ, em cho rằng sẽ có vài yếu tố tác động và khơi gợi tinh thần trách nhiệm.
Em xin phép chia sẻ một vài điều ảnh hưởng đến tinh thần tự giác của nhân viên, những chia sẻ này là dưới góc nhìn của em thôi ạ – một nhân viên phục vụ quán cà phê.
1. Ảnh hưởng đầu tiên là từ chủ quán, quản lý và các bạn nhân viên.
Khi mới trở thành nhân viên thử việc tại quán, em đã được hướng dẫn cách dọn nhà vệ sinh sao cho thơm tho, sạch sẽ. Những việc này em đều được một bạn nhân viên khác hướng dẫn lại. Việc nhân viên thay vì chủ quán hướng dẫn đã tạo cho em tâm lý thoải mái, thân thiện hơn. Em đã cảm nhận được mọi người đều đang cố gắng tạo cho mình môi trường làm việc thân thiện, giúp hoà nhập sớm hơn. Các bạn nhân viên ngang tuổi nhau hướng dẫn cho nhau cũng dễ hiểu ý hơn ạ, tránh được cái cảm giác đưa ra mệnh lệnh, làm cho bản thân em cũng tự nguyện dẹp bỏ bớt cái tôi luôn.
Trong thời gian thử việc, các bạn nhân viên thay nhau nhắc nhở em vấn đề dọn nhà vệ sinh sao cho đúng như tiêu chuẩn của quán. Vì mới vào làm, chưa quen với nhịp độ công việc nên quên mất nhà vệ sinh là chuyện thường xuyên -.- Mọi người rất thông cảm cho em giai đoạn ấy, nhưng chỉ nhắc nhở, tuyệt đối không dọn giúp. Ban đầu sẽ hơi khó chịu khi đang bận chạy bàn mà không ai giúp đỡ khâu dọn nhà vệ sinh. Nhưng sau này, em thấy việc ai người nấy làm là lựa chọn tốt nhất, tránh làm cho em có tâm lý ỷ lại rằng mình không làm sẽ có người khác làm. Mình không làm, chỉ có người nhắc nhở mình làm thôi.
Để đến lượt chủ quán hoặc quản lý nhắc nhở nghĩa là đã vượt quá ngưỡng vi phạm cho phép. Em cũng đã từng trải qua chuyện này Sau khoảng 3 lần được các bạn nhắc nhở mà vẫn không chủ động lưu ý việc dọn nhà vệ sinh, tiếp đến sẽ là quản lý nhắc nhở. Quản lý quán em có nguyên tắc riêng là không to tiếng với nhân viên nữ. Cách anh nhắc nhở không hề tạo cảm giác mệnh lệnh hay nhăn nhó khó chịu, nó giống như lời chỉ dạy hơn. Anh tác động tâm lý thay vì ép buộc, gợi cái tôi của em, cho em thấy rằng việc dọn nhà vệ sinh sẽ phản ánh rõ ràng các tính cách, đặc trưng của bản thân em. Hiển nhiên là em luôn muốn tốt trong mắt mọi người nên sẽ cực kỳ lưu tâm những lời anh nói. Anh cũng đặc biệt có mặt và khen ngợi kịp thời nếu mọi người làm tốt công việc, khiến mỗi người đều cảm thấy mình luôn cần làm tốt như thế, làm tốt hơn nữa.
Nếu đã để ý dọn nhà vệ sinh nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu, em sẽ bị gọi tên phê bình trong cuộc họp chung. Ở quán em, đây là hình thức răn đe ở mức độ vừa. Không ai muốn mình bị gọi tên như vậy lần nào nữa nên sẽ cố gắng dọn tốt hơn lần sau.
Đã từng có một bạn nhân viên khiến quản lý phải áp dụng hình thức răn đe mạnh hơn là nói chuyện riêng khá căng thẳng. Em nghe các bạn chỉ cho rằng nói chuyện là cơ hội cuối cùng vì không ai đủ kiên nhẫn để mãi nhắc nhở một người luôn không để tâm hoàn thành công việc. Nếu sau cuộc nói chuyện mà bạn đấy vẫn không tốt hơn, bắt buộc phải dừng công việc. Em nghĩ chìa khoá để người chủ hay quản lý thực hiện thành công quy trình răn đe này là sự công bằng, rõ ràng và phân minh.
2. Review từ khách hàng ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần cả quán.
Một lần, quán xào xáo lên vì nhận được review “Quán đẹp, nhân viên nhiệt tình, phục vụ chu đáo nhưng nhà vệ sinh bẩn”. Mọi người ở đây xem quán như ngôi nhà chung, thật sự nghe xong tất cả đều buồn Vì khi đã toàn tâm toàn ý cho công việc phục vụ, em sẽ xem sự hài lòng của khách hàng là niềm hạnh phúc của mình. Một lỗi nhỏ khiến khách không vừa ý, trước tiên bản thân em sẽ cảm thấy vô cùng thất vọng vì đã không làm tốt việc, kéo cả tập thể đi xuống. Bởi vậy nên em nghĩ rằng khách review sẽ ảnh hưởng rất lớn lên tinh thần và văn hoá của quán. Tất nhiên là phải kết hợp thêm sự nhắc nhở, thưởng phạt kịp thời từ chủ quán với quản lý nữa ạ. Mỗi khi nghe khách khen nhà vệ sinh sạch thơm là như nghe một lời động viên lớn, khiến bản thân em tự hào vì đã làm tốt việc và tự hứa cố gắng làm tốt hơn nữa.
3. Môi trường và văn hoá là vô cùng quan trọng để hình thành nên tính tự giác trong công việc.
Khi bước vào quán, ấn tượng đầu tiên của em là mọi người đều chăm chỉ, làm việc tâm huyết và tự giác, bản thân em tự nhiên cũng muốn hoà nhập trở thành một phần trong đó. Nếu khác đi với số đông, em bị đào thải. Các bạn nhân viên là người xây dựng môi trường ấy, giữ và tác động lên em. Mọi người ở quán em cạnh tranh nhau để càng trở nên tốt hơn chứ không cạnh tranh nhau để có mức lương cao hơn hay được ưu ái hơn. Đó là điều em thích nhất: một môi trường chuyên nghiệp, công bằng, có tính đào thải và là nơi mọi người học hỏi rất nhiều từ nhau.
Khi một tập thể mà ai cũng cố gắng làm tốt, chỉ mỗi mình không cố gắng thì ngay lập tức mình sẽ tự cảm thấy bị cô lập. Lúc đấy, không cần răn đe nữa mà mình sẽ tự ra đi vì không bao giờ hoà nhập được. Em rất khó chịu khi cảm giác mình là người đạp đổ đi công sức của mọi người, nên em dần hình thành tính cố gắng, đặt tâm huyết vào công việc.
4. Tính cách bản thân cũng cần tương đồng chút ít với công việc.
Em cho rằng dù có dùng biện pháp nặng nhẹ ra sao mà bản thân em có tính cách quá khác biệt so với yêu cầu công việc, thì em cũng không thể hoàn thành tốt được. Tất cả nhân viên nơi quán em làm việc đều có nét tính cách giống nhau, đó là có trách nhiệm. Có thể trước đây chưa từng thích sự gọn gàng ngăn nắp, có thể không chăm chỉ, có thể hay quên, nhưng trách nhiệm khiến mọi người phải làm tốt và làm tốt hơn nữa.
Những chia sẻ trên của em dưới góc nhìn là nhân viên phục vụ trong quán nên không thể tránh khỏi tranh cãi được ạ, mong mọi người nhẹ tay với em.
Yến Nhi