Dịch Covid đã diễn ra hơn một năm và ảnh hưởng lên ngành FnB không nhỏ. Doanh thu sụt giảm nghiêm trọng vì cách ly hay giãn cách xã hội. Cách chữa cháy tạm thời là bán online hoặc take away, nhưng đó là khi dịch mới diễn ra đợt 1, đợt 2. Còn thời điểm hiện tại, khi dịch bệnh diễn biến xấu và không thể dự đoán được thời gian kiểm soát hoàn toàn, thì online và take away là mảnh ghép không thể thiếu, để quán tồn tại và phát triển trong giai đoạn này. Cũng như chuyển đổi số đang là vấn đề được quan tâm nhất hiện nay. Nhưng kinh doanh ăn uống online bằng cách nào và bán như thế nào cho hiệu quả, mình xin chia sẻ một số kinh nghiệm trong bài viết này.
I. SẢN PHẨM
– Sản phẩm phải phù hợp, không thể bê nguyên menu offline dịch chuyển lên online, cần loại bỏ những món: Chế biến cầu kì – mất thời gian, decor tỉ mỉ, vận chuyển khó khăn…
– Những món ăn – đồ uống phù hợp với tính chất online đảm bảo các yếu tố cơ bản như: chế biến nhanh – gọn, vận chuyển dễ dàng, tỉ suất lợi nhuận cao…
1. Chất lượng
– Đảm bảo cung cấp một sản phẩm chất lượng, luôn là yếu tố tiên quyết khi kinh doanh FnB. Một sản phẩm tốt luôn là lợi thế cạnh tranh không thể copy và có thể dùng chính sản phẩm để làm marketing rất hiệu quả.
– Còn chất lượng mình muốn nhắc đến trong bài viết là CHẤT LƯỢNG KHI ĐẾN TAY KHÁCH HÀNG. Đã từng tư vấn cho rất nhiều chủ đầu tư dịch chuyển lên kinh doanh ăn uống online, mình luôn đặt câu hỏi: “Sản phẩm có thể vận chuyển được bao xa (5 – 10km), và khi sản phẩm đến tay khách hàng chất lượng sản phẩm đạt bao nhiêu % so với tại cửa hàng?” Làm rõ được vấn đề này, bạn có thể điều chỉnh phạm vi bán hàng, cách thức đóng gói – vận chuyển, thời gian vận chuyển… để tránh mất điểm với khách hàng.
2. Bao bì, đóng gói
– Điểm cộng tiếp theo trong mắt khách hàng đó là một sản phẩm có bao bì bắt mắt, đóng gói gọn gàng – sạch sẽ, đảm bảo tính thẩm mỹ.
– Ngoài ra các dụng cụ đi kèm không thể thiếu như (tô giấy, chén giấy, đũa, muỗng, khăn – giấy lau, tăm…) tuỳ từng sản phẩm và đối tượng khách hàng mà chúng ta chuẩn bị chỉn chu và phù hợp.
– Hướng dẫn khách hàng cách sử dụng sản phẩm, để sản phẩm được ngon nhất.
– Vd: Khách ăn uống tại văn phòng, tại nhà… thì cần chuẩn bị những dụng cụ đi kèm nào phù hợp?
II. VẬN CHUYỂN ĐẾN TAY KHÁCH HÀNG
Cần nắm rõ các yếu tố sau để có thể lựa chọn sản phẩm, cũng như điều chỉnh phù hợp để bán online:
– Thời gian từ khi khách hàng đặt món đến lúc khách nhận được.
– Chất lượng sản phẩm khi đến tay khách hàng.
– Chất lượng đóng gói – trình bày khi đến tay khách hàng.
Có những sản phẩm thưởng thức tại quán rất ngon, nhưng khi ship đến tay khách hàng thì rất tệ. Những khách hàng đã ăn tại quán, hoặc có thể nhận biết do yếu tố vận chuyển, nên chất lượng không như dùng tại chỗ, có thể họ cho qua. Nhưng những khách hàng mới sử dụng sản phẩm lần đầu, khó có thể chấp nhận một sản phẩm tệ khi đến tay và tiếp tục sử dụng lần sau.
III. MARKETING
Không giống như offline, quán sẽ có một lượng khách hàng vãng lai nhất định. Kinh doanh ăn uống online, nếu như không xây dựng hình ảnh thương hiệu trên mạng xã hội, quảng cáo – truyền thông sẽ không ai biết bạn là ai, bạn đang bán cái gì.
Trước khi marketing online thì điều kiện tiên quyết đó là: hình ảnh, video, bài viết giới thiệu về sản phẩm cần phải được đầu tư bài bản – chỉn chu. Chưa cần biết sản phẩm có ngon hay không, nhưng điểm chạm đầu tiên khi bán online đó là thông tin sản phẩm được thể hiện trên các phương tiện truyền thông online. Vì vậy cần đầu tư đúng mực, để xây dựng hình ảnh thương hiệu trong mắt khách hàng.
1. Trang cá nhân và fanpage trên các nền tảng xã hội
– Đây là những công cụ sẽ giúp cho bạn rất nhiều khi bán hàng online và nó hoàn toàn miễn phí. Nếu đã kết bạn hoặc có lượng người theo dõi là tệp khách hàng mà bạn muốn hướng đến. Thì việc còn lại là hoàn thiện các mục mình vừa nêu bên trên và đăng bài bán hàng, chăm sóc khách hàng thường xuyên.
– Nếu chưa có sẵn tệp khách hàng này thì phải xây dựng từ đầu:
TRANG CÁ NHÂN:
+ Kết bạn với những người có khả năng trở thành khách hàng của mình. Ngoài những nội dung liên quan đến việc bán hàng cần chia sẻ thêm những nội dung có ích cho cộng đồng, cũng như tương tác với khách hàng thường xuyên…
FANPAGE:
+ Đây được xem như là bộ mặt của quán trên nền tảng mạng xã hội vì thế cần được đầu tư về nội dung. Thường xuyên đăng những nội dung có ích, những thông tin liên quan đến thương hiệu của bạn (sản phẩm, feedback, hàng đi hàng về, câu chuyện khách hàng, câu chuyện của bạn…).
2. Các hội nhóm trên mạng xã hội
– Hiện nay các hội nhóm review, bán hàng, giới thiệu đồ ăn rất nhiều. Đây cũng là công cụ hỗ trợ tốt cho việc bán online của bạn. Có hội nhóm miễn phí, có hội nhóm tốn phí. Nếu tốn phí thì cần tìm hiểu mức độ tương tác của nhóm và khách hàng của bạn có thật sự ở đó không, trước khi xuống tiền book bài viết.
3. Tăng nhận diện trên mạng xã hội nhờ bạn bè, người thân
– Đây là công cụ mình đánh giá hiệu quả ngay lập tức. Và cũng đã nhắc đến trong các bài viết trước.
– Hãy chủ động nhắn tin nhờ hoặc thuê (tuỳ mức độ quan hệ của mỗi người) bạn bè, người thân, bạn bè trên mạng xã hội, review về sản phẩm của mình. Nếu họ không thể đến quán trực tiếp, hãy gửi sản phẩm đến chỗ họ, hoặc chuẩn bị cho mỗi người vài hình ảnh và bài viết. Với tần suất khoảng 2 – 3 người/ngày, nhờ càng nhiều người càng tốt. Chú ý là hình ảnh, nội dung phải khác nhau và không có “mùi” quảng cáo.
– Ví dụ: Tuy độ tiếp cận không cao. Nhưng một giáo viên review một món ăn ngon, sẽ được tin tưởng hơn là một bạn chuyên review có phí, về món ăn đó (vì khách có thể ‘đánh hơi’ được có mùi PR).
4. Thông tin khách hàng có sẵn
– Nếu đã có dữ liệu khách hàng (số điện thoại, email, Zalo, Facebook…) thì có thể dùng để remarketing về các sản phẩm quán đang bán online. Gắn kèm một số chương trình khuyến mãi (quà tặng, giảm giá, freeship…) để lôi kéo khách hàng sử dụng sản phẩm.
5. Quảng cáo Facebook
– Facebook Ads là cộng cụ tiếp cận khách hàng, có thể cho là tốt nhất hiện nay. Nếu biết kết hợp cùng các công cụ khác hoặc các chương trình khuyến mãi…chắn chắc sẽ cho kết quả tốt. Với hình thức bán online, theo mình nên chạy ngân sách thấp nhưng liên tục (tuỳ tài chính, tăng dần nếu có ngân sách). Tại sao lại chạy liên tục, vì nó làm tăng mức độ nhận diện thương hiệu trong khu vực, tăng cạnh tranh với đối thủ.
– Ví dụ: đang uống trà sữa quán A, lướt Facebook thấy quán B, quảng cáo hay quá, ngon quá. Dự định mai đặt thử, nhưng ngày mai quảng cáo của bạn đã tắt thì khách hàng cũng quên luôn. Khách nhanh quên lắm, vì thế hãy liên tục hiện diện trên mạng xã hội.
6. Nano Influencer (những người có lượt theo dõi dưới 10K trên mạng xã hội)
Tại sao không phải là influencer cao cấp hơn (micro, premium) mà lại là nano influencer:
– Thứ 1: đương nhiên là chi phí. Vì chi phí cho các influencer cao cấp sẽ cao hơn rất nhiều các nano influencer.
– Thứ 2: Một cộng đồng người theo dõi lớn sẽ khó kiểm soát hơn và không thể tránh khỏi nhiều ý kiến trái chiều.
– Thứ 3: giữa thị trường influencer đang bị bão hòa như hiện nay, chỉ một “review hoa mỹ” không thể chiếm được sự tin tưởng đặc biệt từ khách hàng. Thay vì bỏ tiền thuê 1 influencer cao cấp, có thể dùng tiền đó thuê nhiều nano influencer, tăng độ phủ trên các nền tảng mạng xã hội.
7. Bán qua app
– Một kênh bán hàng và marketing không thể thiếu khi dịch chuyển lên online. Rào cản duy nhất là mức hoa hồng phải trả cho app khá cao. Nhưng lợi ích mang lại cũng rất lớn.
– Trước khi bán hàng trên app chủ quán cần tối ưu chi phí, cũng như lựa chọn món ăn phù hợp, để có thể mang lại lợi nhuận tốt nhất.
“Không làm được thì thuê”, offline hay online cũng cần phải đầu tư đúng mực. Quan trọng là việc cân đối và sử dụng tài chính một cách phù hợp để mang lại hiệu quả tốt nhất cho bạn. Đừng “tham lam” ôm hết tất cả những việc mà mình không biết làm, làm không đúng. Để rồi mất thời gian, công sức, tiền bạc… cuối cùng CÒN MỖI CÁI NỊT.
Vậy kinh doanh FnB bán online có khó không? Theo mình là khó, nhưng không phải không làm được. Dù muốn hay không thì thời điểm hiện tại cần phải dịch chuyển lên online. Nhưng để thành công bạn cần có sự đặc biệt – khác biệt, cũng như cần có lợi thế cạnh tranh so với đối thủ. Chúc các bạn thành công.
Ivan Nguyễn