in

Kinh nghiệm mở quán ăn vặt

Ẩm thực Việt Nam ngày càng đa dạng cùng với sự du nhập của vô vàn món ăn đặc sắc đến từ nhiều quốc gia khác trên thế giới. Thế nhưng những món ăn vặt dân dã phong phú từ những xe đẩy vỉa hè cho đến những quán lớn vẫn chiếm một vị trí lớn trong thói quen ăn uống của người Việt. Cũng bởi vậy mà quán ăn vặt từ trước đến nay vẫn được xem là ngành kinh doanh hấp dẫn “vốn ít, lời nhiều”. Nhưng liệu có phải cứ mở quán ăn vặt là thành công? Đừng quên rằng trước khi bắt đầu bất kỳ công việc kinh doanh nào đều cần sự chuẩn bị nghiêm túc và kỹ lưỡng. Và mở quán ăn vặt cũng không ngoại lệ.

1. Vì sao chọn mở quán ăn vặt?

Có lẽ hình ảnh những xe đẩy, gánh hàng rong, quán vỉa hè bên đường với đầy ắp những xiên que, nem chua rán, bánh tráng trộn, bánh tráng nướng, bánh mì, chè,… hay những con hẻm tấp nập học sinh, sinh viên tụ tập trong những quán nhỏ ăn uống, trò chuyện rôm rả đã trở nên vô cùng quen thuộc. Những món ăn đa dạng và phong phú, tuy mộc mạc nhưng lại cực kỳ kích thích vị giác, tuy không khiến người ta no nhưng lại thỏa mãn cơn thèm ăn sau mỗi buổi học hay những buổi chiều mệt mỏi ở chỗ làm.

Để mà tìm một địa điểm ăn uống vừa ngon, vừa rẻ, vừa trò chuyện thoải mái thì các quán ăn vặt là một lựa chọn tuyệt vời. Mặc cho rất nhiều những quán ăn, quán cafe, trà sữa sang chảnh ở khắp mọi nơi thì quán ăn vặt vẫn chiếm một vị trí nhất định khó lòng thay thế. Với thị trường rộng và nhu cầu lớn, cộng thêm các ưu thế như triển khai đơn giản, không cần nhiều vốn, không cần chế biến những món ăn cầu kỳ, mở quán ăn vặt trở thành lựa chọn khởi nghiệp kinh doanh của nhiều người.

2. Mở quán ăn vặt cần bao nhiêu vốn?

Mở quán ăn vặt thường không đòi hỏi số vốn lớn, chỉ khoảng từ 30 triệu đồng là bạn đã có thể sở hữu một mô hình quán ăn vặt của riêng mình. Tùy thuộc vào quy mô quán mà số vốn cần thiết sẽ có sự chênh lệch. Về cơ bản, khi mở quán ăn vặt bạn sẽ cần tính toán kỹ lưỡng các chi phí sau đây:

  • Chi phí thuê mặt bằng: Giá thuê trung bình từ 3 triệu đồng trở lên tùy thuộc vào địa điểm, diện tích mặt bằng.
  • Chi phí cơ sở vật chất: Bao gồm các chi phí sửa chữa, trang trí quán, mua sắm trang thiết bị, dụng cụ nấu ăn. Với các quán nhỏ thì chi phí này thường từ 5 – 10 triệu đồng.
  • Chi phí mua nguyên vật liệu: Thường từ 3 – 5 triệu đồng. Chi phí này sẽ phụ thuộc vào thực đơn quán ăn vặt của bạn như thế nào.
  • Chi phí thuê nhân viên: Bạn có thể tận dụng nguồn lao động giá rẻ là các sinh viên làm thêm bán thời gian với chi phí từ 2 – 3 triệu đồng/người. Ngoài ra một số vị trí khác như nhân viên bếp, bảo vệ,… sẽ có mức lương cao hơn.
  • Chi phí marketing: Một khoản ngân sách từ 2 – 5 triệu đồng dành cho các hoạt động như in ấn, phát tờ rơi, băng rôn quảng cáo,…
  • Chi phí dự phòng và duy trì kinh doanh: Các khoản phí dành cho điện, nước, mạng,… và một khoản dự phòng đủ để duy trì hoạt động kinh doanh quán trong 1 – 2 tháng đầu chưa có lãi.

Hiện nay, mô hình quán ăn vặt online đang rất thịnh hành bởi thói quen đặt giao hàng ngày càng phổ biến và hơn hết là mô hình này giúp tiết kiệm chi phí đầu tư đáng kể. Nếu như bạn có số vốn hạn chế thì có thể mở quán ăn vặt theo hình thức này.

3. Kinh nghiệm mở quán ăn vặt hiệu quả không nên bỏ qua

Nhu cầu lớn nhưng không tốn nhiều vốn lại dễ triển khai nên ngày càng nhiều quán ăn vặt ra đời. Cũng chính vì vậy mà mức độ cạnh tranh trên thị trường này cũng không hề nhỏ. Nếu đang có dự định mở quán ăn vặt, bạn nên chú ý những điều sau đây:

3.1. Xác định khách hàng mục tiêu rõ ràng

Xác định khách hàng mục tiêu là vô cùng quan trọng khi bắt đầu kinh doanh nhưng nhiều chủ quán lại bỏ qua. Đặc biệt là với mô hình quán ăn vặt, nhiều người nghĩ rằng mình kinh doanh quán nhỏ, đồ ăn vặt thì ai cũng ăn nên phục vụ được hết. Thực tế rằng, mỗi nhóm khách hàng khác nhau sẽ có khẩu vị, thói quen ăn vặt khác nhau và bạn khó có thể đảm bảo rằng quán của bạn phù hợp với tất cả mọi người. Bởi vậy khi mở quán ăn vặt, bạn cần xác định rõ khách hàng của bạn là ai, từ đó nghiên cứu thói quen, hành vi của họ để lên ý tưởng và kế hoạch kinh doanh phù hợp nhất.

Hiện nay, đối tượng khách hàng chính của các quán ăn vặt là học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng,… Mỗi nhóm khách hàng này sẽ có những đặc điểm khác nhau. Ví dụ: Nhóm học sinh sẽ yêu thích những món ăn giá rẻ, màu sắc bắt mắt, đa dạng,… và thời gian tiêu dùng chủ yếu là những giờ ra chơi, sau buổi học,… Nhóm sinh viên yêu thích những quán ăn vặt có giá cả phù hợp, có không gian sạch sẽ, thoải mái để có thể trò chuyện,… Trong khi đó, nhóm dân văn phòng sẽ quan tâm nhiều hơn đến chất lượng đồ ăn, khó tính hơn trong vấn đề ăn uống, thường tiêu dùng vào buổi chiều các ngày trong tuần và đa số sẽ mua giao hàng online,… Chỉ khi xác định rõ quán ăn vặt của bạn phục vụ cho nhóm đối tượng khách hàng nào thì hoạt động kinh doanh của bạn mới đi đúng hướng.

3.2. Mặt bằng, địa điểm mở quán ăn vặt vẫn là yếu tố quan trọng

Địa điểm là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu trong kinh doanh ăn uống. Với mô hình quán ăn vặt, bạn có thể không cần đến những mặt bằng rộng rãi, vị trí mặt đường đắc địa mà chỉ cần một diện tích vừa đủ trong ngõ nhỏ để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên điều cần quan tâm ở đây là vị trí gần khách hàng mục tiêu, không nên nằm sâu trong ngõ ngách khó tìm, và nên có chỗ để xe cho khách hàng ghé quán. Những vị trí mở quán ăn vặt quen thuộc chính là gần các trường học, tòa nhà văn phòng hay các khu dân cư đông đúc,…

Bên cạnh yếu tố địa điểm thì việc trang trí quán ăn vặt như thế nào cũng rất được nhiều chủ kinh doanh quan tâm. Điểm cốt lõi của quán ăn vặt thường nằm ở đồ ăn ngon, giá rẻ, thái độ phục vụ tốt. Bởi vậy bạn không nhất thiết phải trang trí quán ăn vặt quá cầu cầu kỳ, đẹp mắt mà thay vào đó nên chú trọng vào yếu tố sạch sẽ, thoáng mát, tiện lợi. Trang trí đơn giản sẽ vừa tạo nên không gian dễ chịu vừa giúp bạn tiết kiệm chi phí đáng kể.

3.3. Xây dựng menu phong phú, đa dạng, đảm bảo “ngon – bổ – rẻ”

Bên cạnh chất lượng món ăn ngon thì một thực đơn phong phú, đa dạng cũng là một yếu tố quan trọng để giữ chân khách hàng. Các thực khách luôn thích có nhiều sự lựa chọn và với các quán ăn vặt, menu nhiều món sẽ giúp đáp ứng sự đa dạng trong sở thích bởi khách hàng của bạn thường đi theo nhóm, họ có thể thưởng thức nhiều hơn và có thể đổi món trong những lần sau để không bị nhàm chán. Tuy nhiên bạn cũng nên lưu ý khi đa dạng thực đơn, đừng cố gắng bán càng nhiều thứ càng tốt mà hãy khéo léo trong việc lựa chọn, kết hợp thực đơn và đừng bỏ quên món signature – món đặc trưng làm nên thương hiệu của riêng bạn. 

Nhắc đến menu thì ngoài món ăn, đồ uống thì giá cả cũng là yếu tố không thể bỏ qua. Giá rẻ là một trong những tiêu chí khi lựa chọn quán ăn vặt bởi đa số đối tượng khách hàng là học sinh, sinh viên. Hiện nay giá bán trung bình tại các quán ăn vặt là 10.000đ – 15.000đ/món với những món đơn giản, những món cần chế biến phức tạp hơn thì từ 20.000đ – 30.000đ/món. Mặc dù được bán với mức giá thấp nhưng tỷ lệ lợi nhuận khá cao vì số vốn bỏ ra không nhiều, nếu các chi phí được tối ưu thì bạn có thể thu về vài triệu đồng mỗi ngày. Tuy nhiên bạn cũng đừng nên vì chạy theo lợi nhuận mà sử dụng những thực phẩm kém chất lượng bởi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của quán cũng như sức khỏe của người tiêu dùng. Dù chỉ là những món ăn vặt thì vẫn cần đảm bảo vệ sinh nghiêm ngặt.

3.4. Thái độ phục vụ giữ chân khách hàng

Cùng với đồ ăn, thức uống “ngon – bổ – rẻ” thì thái độ phục vụ tốt sẽ ảnh hưởng tích cực đến trải nghiệm khách hàng và là một điểm cộng cực lớn giúp bạn giữ chân các “thượng đế”. Bởi vậy, ngay từ khâu tuyển dụng, đào tạo nhân viên, bạn nên có những quy tắc ứng xử cụ thể khi phục vụ khách hàng. Nhân viên luôn thân thiện, phục vụ tận tình, chu đáo sẽ tạo ấn tượng tốt với khách hàng, và dù món ăn của quán không quá nổi bật thì thái độ nhân viên sẽ là lý do để khách hàng quay lại với bạn. Thực tế cho thấy không ít quán ăn uống bị tẩy chay vì thái độ của nhân viên không tốt, xử lý vấn đề thiếu chuyên nghiệp.

3.5. Đừng quên quy trình vận hành và quản lý chặt chẽ

Kinh doanh ăn uống, dù chỉ là một quán ăn vặt nhỏ thì việc xây dựng một quy trình vận hành và quản lý chặt chẽ là chìa khóa cho sự phát triển. Những suy nghĩ như kinh doanh quán nhỏ thì không cần quy trình gì cho phức tạp, ngày bán thì ghi chép rồi cuối ngày cộng sổ,… thực tế lại là những sai lầm dẫn đến sai sót, thất thoát mà chủ quán không hay biết. Bởi vậy, khi mở quán ăn vặt bạn nên tính đến việc xây dựng quy trình phục vụ, vận hành quán từ khâu tiếp khách, order, lên món cho đến khi thanh toán đảm bảo thông suốt. Đồng thời bạn cũng cần có phương pháp quản lý chặt chẽ để nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ vào quản lý nhà hàng, quán ăn trở nên ngày càng phổ biến. Nhiều quán ăn vặt cũng đã sử dụng phần mềm để cải thiện và nâng cao hiệu quả vận hành và quản lý kinh doanh thay thế cho các phương pháp thủ công truyền thống. Với sự hỗ trợ của phần mềm quản lý quán ăn, cửa hàng của bạn có thể:

– Nâng cao hiệu suất làm việc: Nhân viên có thể kiểm soát tình trạng các bàn, thực hiện order trên máy POS hoặc máy tính bảng và thông tin được chuyển trực tiếp đến khu vực bếp, thanh toán nhanh và chính xác với đa dạng phương thức thanh toán,… Các thao tác thủ công dư thừa được loại bỏ, nhờ đó tăng tốc độ làm việc của nhân viên và phục vụ được nhiều khách hàng hơn.

– Quản lý chặt chẽ: Phân quyền nhân viên, theo dõi lịch sử giao dịch. Hệ thống báo cáo giúp bạn theo dõi doanh thu, chi phí, kiểm soát nguyên vật liệu tồn kho chính xác, hạn chế thất thoát. Bên cạnh đó, nhiều phần mềm hỗ trợ tính năng quản lý từ xa giúp bạn có thể theo dõi tình hình kinh doanh mọi lúc mọi nơi.

– Tăng trải nghiệm khách hàng: Quy trình bán hàng chuyên nghiệp giúp khách hàng của bạn được trải nghiệm nhiều hơn. Tình trạng khách hàng phải chờ đợi lâu, ra món chậm, thiếu món,… được hạn chế tối đa. Khi khách hàng hài lòng thì sẽ tăng tỷ lệ quay lại quán, đồng thời cũng là cách marketing truyền miệng hiệu quả không tốn chi phí.

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều phần mềm quản lý quán ăn, trong đó phổ biến là phần mềm đến từ các nhà cung cấp như iPOS.vn, KiotViet, Cukcuk (Misa), Sapo,… Với mô hình quán ăn vặt, bạn có thể tham khảo phần mềm FABi do iPOS.vn cung cấp. Đây là phần mềm được phát triển chuyên biệt cho ngành kinh doanh ăn uống và hỗ trợ đầy đủ tính năng phù hợp nhiều quy mô quán ăn từ nhỏ lẻ, vỉa hè cho đến các nhà hàng lớn, chuỗi nhiều chi nhánh.

3.6. Mở quán ăn vặt cũng cần marketing

Dù bạn kinh doanh quán nhỏ vỉa hè hay quán ăn vặt quy mô lớn thì marketing là vẫn là hoạt động cần thiết để tiếp cận nhiều khách hàng tiềm năng. Với mô hình quán ăn vặt thì tờ rơi, băng rôn, đăng bài trên các hội nhóm Facebook, lập fanpage, chạy khuyến mãi,… là những hình thức được sử dụng phổ biến vừa tiết kiệm chi phí vừa dễ tiếp cận khách hàng mục tiêu. Nếu có ngân sách lớn hơn, bạn có thể chạy quảng cáo Facebook, Google, tổ chức các mini game để thu hút khách hàng,… Điều quan trọng là xác định rõ khách hàng của bạn là ai, họ xuất hiện ở đâu và họ quan tâm đến điều gì để từ đó lựa chọn phương thức truyền thông phù hợp nhất.

Hy vọng rằng với những thông tin vừa chia sẻ về kinh nghiệm mở quán ăn vặt, bạn có thể tìm thấy những kiến thức hữu ích và có sự chuẩn bị tốt nhất cho công việc kinh doanh của riêng mình. Chúc bạn thành công!

Bạn cũng thử tham khảo các phần mềm quản lý sau trong quá trình mở quán kinh doanh nhé!

iPOS

Bạn thích quán này chứ?

503 Points
Upvote Downvote
Nhận thông báo qua email
Nhận thông báo cho
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

All Day Coffee

7 Kinh nghiệm kinh doanh quán ăn nhỏ cho người mới bắt đầu