Bạn để dành được kha khá tiền, bạn mở quán cà phê, sau đó bạn bán cắt lỗ rồi kiếm việc trả nợ, đây chính là vòng đời kinh doanh cà phê của rất nhiều người.
Tôi đang kinh doanh nhà hàng, riêng về lĩnh vực cà phê thì tôi có quan điểm riêng. Những người mở quán cà phê có tâm lý chung là thích việc nhẹ nhàng, lợi nhuận cao. Có ba nguyên nhân khiến họ ảo tưởng với kinh doanh quán cà phê:
1. Vốn ít, lợi nhuận cao: Với tư tưởng “một vốn bốn lời”, ngày có thể kiếm hơn triệu đồng lợi nhuận. Nhưng thực tế phải chi trả rất nhiều thứ như mặt bằng, khấu hao, nhân viên, điện, nước, các loại thuế… đó là chưa kể quản lý không tốt sẽ bị nhân viên qua mặt.
2. Công việc nhàn rỗi: Họ nghĩ rằng chỉ cần bỏ vốn mở quán cà phê, nhập hàng rồi bán. Nhưng để quản lý quán cà phê mất nhiều thời gian và công sức như đầu vào, định phân khúc, kiếm khách hàng, quan hệ, tuyển dụng, quản lý nhân viên… Hơn 12 tiếng mỗi ngày là chuyện bình thường, thậm chí có những lúc kiêm luôn làm phục vụ, thu ngân, tạp vụ, bảo trì…
3. Nhu cầu cao: Có nhiều quán cà phê đông khách, nhưng đó là họ thấy những quán thành công hoặc trong giờ cao điểm, họ không nhận thấy số quán cà phê ế ẩm còn nhiều hơn. Nó khiến họ nghĩ rằng cứ mở thì sẽ có khách mà không phân tích, đánh giá từ những quán ế ẩm tràn lan.
Dù kinh doanh lĩnh vực gì thì cũng phải có sự nghiên cứu, đầu tư nghiêm túc. Tôi biết vài người bạn thu nhập khá (vài chục triệu), sau khi dành dụm được một số vốn kha khá thì quyết định mở quán cà phê với suy nghĩ “chân trong chân ngoài”. Nhưng không quản lý tốt sẽ làm doanh thu xuống, họ sẽ nghỉ việc để trực tiếp quản lý, sau đó vay nợ duy trì rồi sang quán cắt lỗ cuối cùng là kiếm việc cày cuốc để trả nợ. Đó là vòng đời thường thấy của một người kinh doanh quán cà phê.
Quán to hay nhỏ không quan trọng mà lợi tức mang về lớn nhất mới quan trọng:
1. Khách của bạn ai là chủ yếu phụ thuộc vào các yếu tố khu vực.
2. Địa điểm chọn lựa phù hợp thế nào với khách của bạn, cái này tùy thuộc vào tài chính của bạn.
3. Khách hàng của bạn dùng sản phẩm do yếu tố nào, giá nào để có thể tính toán nhượng quyền phù hợp, hoặc làm kiểu quán đơn sơ bình dân cũng ổn rồi.
4. Yếu tố then chốt là là yếu tố con người bao gồm pha chế và phục vụ – đừng tiếc tiền cho các đối tượng này mà phải tìm, nhắm tới những người gọi là đắt sắt ra miếng, bài toán không hề đơn giản.
5. Bài toán kế hoạch kinh doanh rõ ràng khấu hao tài sản, chịu lỗ. Cái này thường sẽ liên quan tới hợp đồng thuê mặt dài hạn hay ngắn hạn sẽ liên quan tới khấu hao tài sản, khấu hao vào sản phẩm, vào thời gian sẽ quyết định mức giá cạnh tranh của các bạn tới các đối thủ. Ví dụ ban đầu 240 triệu cho 2 năm thì mỗi tháng là 10 triệu, nhưng 240 triệu cho 4 năm thì mỗi tháng khấu hao có 5 triệu (chưa tính lãi phát sinh).
6. Đối thủ bạn sẽ cạnh tranh gồm những ai, họ đang đáp ứng những nhu cầu nào của khách hàng, giá nào mình sẽ đảm bảo cạnh tranh tốt.
7. Một số yếu tố nữa về giao thông, pháp lý nghiên cứu kỹ hoạch định tài chính chiến lược kỹ- để thất bại do rủi ro không lường trước được không thấy tiếc nuối.
Nguồn: sưu tầm