in

Tránh Rò Rỉ Tiền Từ Những Điều Bạn Đã Biết

QUẦY LÀ TRÁI TIM – Lựa chọn sao cho trái tim bền bỉ.

Như các bạn đều biết toàn bộ các khu vực quầy dù theo bất kỳ phong cách nào, đặt ở đâu thì đều có những đặc điểm chung như: tiếp xúc phần lớn với nước, chịu tác động thường xuyên, chịu lực ma sát lớn,… dẫn đến quầy là nơi thường xuyên có sự cố trong một quán. Và khi phải sửa chữa, đây cũng là nơi các chủ quán ngại đụng vào nhất bởi ngoài việc chi phí cao thì đây là nơi sẽ dễ hư theo dây chuyền, nghĩa là khi có một vị trí hư hỏng, nó sẽ nhanh chóng lan ra và hư toàn bộ. Nhưng đây lại là nơi có hư phải sửa.
Chính vì vậy, từ khi bắt đầu xây dựng một quán dù nhỏ hay lớn, bạn nên tập trung chú ý làm đúng ngay từ đầu, nhất là ở phần quầy.

Có rất nhiều điểm cần phải chú ý khi xây dựng quầy nhưng chỉ có 1 số điểm là cốt lõi, cần cẩn trọng sau đây:

O1 – VẬT LIỆU

Một quầy pha chế bất kỳ đều sẽ có cấu trúc gần tương tự nhau gồm:
– Quầy thu ngân: bộ mặt của quầy
– Quầy pha chế: nơi tập trung 70-80% thao tác làm món của pha chế
– Quầy ra món: nơi setup, decor món hoàn chỉnh
– Khu vực vệ sinh: nơi vệ sinh toàn bộ dụng cụ
– Tủ kệ phụ trợ
Toàn bộ các khu vực này đều cần dùng những vật liệu cơ bản có tính chất như nhau là: chịu được nước, chịu được va đập, chống trầy xước và phải dễ lau chùi.
Bạn có thể lựa chọn các vật liệu an toàn như: bê tông, đá, kim loại,… các vật liệu này đều có độ bền tương đối cao, đáp ứng được mọi yêu cầu trong việc vận hành quầy.
Bạn sẽ thắc mắc, vậy còn vật liệu gỗ?
Có thể nói gỗ là chất liệu phổ biến trong thiết kế quầy bar, vừa đơn giản, tự nhiên mà tạo vẻ đẹp không bao giờ lạc hậu; phù hợp với đa dạng quán cafe khác nhau từ bình dân đến cao cấp. Gỗ tự nhiên hoặc gỗ công nghiệp đều mang trong mình vẻ đẹp mộc mạc, tự nhiên, mang màu sắc dễ chịu. Bạn sẽ tiết kiệm được thời gian trong việc lựa chọn cũng như phối hợp sử dụng với những chất liệu khác khi thiết kế quầy bar quán cafe. Gỗ luôn dễ dàng kết hợp trong bất kỳ không gian nội thất nào. Nhưng bạn nên lưu ý về KHẢ NĂNG CHỐNG ẨM của gỗ. Đây sẽ là yếu tố chính khiến vì sao quầy gỗ của quán nhà người ta thì đẹp, bền còn quầy gỗ nhà mình lại bung bét dần chỉ sau 1-2 năm sử dụng.
Việc lựa chọn gỗ như thế nào sẽ cần 1 bài khá dàiiiiiiiiiiiiii mới có thể nói hết. Mình sẽ dành riêng 1 bài để nói về điều này. Nhưng cốt lõi bạn sẽ chỉ cần nhớ khi chọn vật liệu khu vực này chính làKHẢ NĂNG CHỐNG ẨM.
V
à đừng chọn vật liệu sàn có độ nhám quá cao. Bạn sợ trơn trượt nhưng hãy nhớ bạn bám được thì chất dơ càng bám được.

O2 – MÀU SẮC

Vì là nơi tiếp xúc chủ yếu với sản phẩm cà phê, trà, dầu mỡ,… nên việc lựa chọn màu sắc là vô cùng quan trọng để giữ cho khu vực quầy luôn được sạch, thoáng, lâu bị cũ.
Nếu là quầy có concept theo concept quán thì việc lựa chọn màu sắc đặc biệt là cần thiết để định hướng được tiếng nói chung của quán. Những màu sắc như: đỏ, cam, vàng, xanh,… là những màu có sắc độ cao nên bạn cần lưu ý việc chọn sơn, gạch,… có độ giữ màu tốt, ít bị phai màu, biến đổi màu trong môi trường ẩm và có thể lau chùi được.
Nhưng nếu bạn chỉ đơn giản lựa chọn màu sắc dựa trên yếu tố đẹp – bền thì đây là gợi ý cho bạn:
– Sử dụng màu tối: màu ghi, nâu, xám, đen,… là những màu ít cũ, dễ thể hiện trên mọi vật liệu, dễ phối hợp với các gam màu khác trong quán.
– Sử dụng màu sáng: trắng, geige, các màu pastel,… là những màu cần kĩ lưỡng khi sử dụng vì dễ thấy dơ, mau cũ khiến quán bạn dễ nhìn thấy xuống cấp. Nếu sử dụng hãy tránh dùng trên tường lăn sơn, vì có lau chùi được cũng sẽ mau ố vàng.

O3 – HÌNH DÁNG, BỐ TRÍ

Với mức độ sử dụng thường xuyên thì việc bố trí quầy nên ưu tiên số 1 chính là việc đáp ứng dây chuyền vận hành. Bạn và các nhân viên của bạn nên là người vạch ra sơ đồ dây chuyền công năng cho một cái quầy. dù nhỏ hay lớn đến mức nào, bạn cũng mới là người nắm rõ cách bố trí hợp lí nhất. Không một kiến trúc sư hay thiết kế nội thất nào được dạy chi tiết về dây chuyền của một quầy cà phê / quán ăn nên bạn phải là người hướng dẫn họ trong công tác này.
Ưu tiên:
 Sắp xếp theo dây chuyền ra món:
quầy thu ngân – quầy chuyên cà phê (nếu có) – khu vực vệ sinh – quầy làm món – thùng đá – quầy ra món…
– Sắp xếp theo hệ thống cấp – thoát nước: nhóm các thiết bị cần cấp hoặc cần thoát lại thành từng khu ví dụ: bạn hãy đặt thùng đá, tủ lạnh gần bồn rửa, đặt máy cà phê gần máy lọc nước,… không chỉ giúp thao tác thuận tiện và việc bố trí hệ thống ống cấp – thoát nước cũng sẽ gọn gàng, đơn giản, tiết kiệm chi phí hơn.
– Kích thước tiêu chuẩn: kích thước tiêu chuẩn của 1 quầy pha chế có sẵn trên mạng rất nhiều. Hãy tham khảo theo nhu cầu của quán bạn để ra được những con số kích thước hợp lý. Không quá to – lãng phí không gian. Không quá nhỏ – vận hành khó khăn. Và nhớ lưu ý các kích thước tiêu chuẩn về chiều cao để quầy của bạn thật sự khả dụng.
 Đặt quầy thu ngân ở vị trí thu hút khách, có thể đối diện cửa ra vào nếu có không gian. Tránh đặt vị trí order ngay hành lang giao thông của khách.

Phần quầy tuy là điểm nhấn của một quán nhưng hãy đơn giản nó để đem lại cảm giác sạch sẽ, gọn gàng. Đừng cố bày trí phức tạp sẽ khiến quầy bạn trở nên bề bộn, khó thao tác và phá hỏng hình ảnh chuyên nghiệp trong mắt khách. Less is More

O4 – HỆ THỐNG CẤP – THOÁT NƯỚC

Mình nói ra nhiều bạn thiết kế sẽ có câu: “Phần nước mà còn không làm được mà đi làm thiết kế”. Dạ vâng, kinh nghiệm mình làm nhân viên quán cà phê 5 năm cho mình thấy rằng chỉ những người chuyên thiết kế FnB, có tâm, làm ăn đàng hoàng mới làm đàng hoàng phần này. Bởi đây là phần ngầm, không thấy được, khó kiểm tra liền được, không dễ bắt lỗi ngay từ đầu. Phải sử dụng qua 6 tháng, 1 năm thường mới đẻ ra nhiều vấn đề. Lúc này chủ quán có phát hiện ra thì thường là quá muộn, chẳng còn ai để bắt lỗi nữa.
Nên mình nói ở đây có thừa thì còn hơn thiếu.
Những điểm cần lưu ý:


– Toàn bộ những thứ ra nước, chảy nước đều cần có ống thoát nước.
Bạn sẽ thấy một số quán hứng xô cho máy cà phê, hứng xô cho thùng đá :))) nghe ngớ ngẩn nhưng đa số các quán tự làm và được thiết kế tào lao đều gặp phải. Điều này dẫn đến trong quy trình của một số quán còn có việc pha chế phải đổ xô nước vào cuối ca :)))
Vấn đề này không chỉ là điểm phát sinh mùi hôi trong quán và còn khiến quầy của bạn luôn trong tình trạng nhớp nháp, lâu ngày khiến các thành phần như tủ, kệ, chân quầy dần bị hư. mục. Các bề mặt hoàn thiện của ván gỗ bị bong tróc, các phần kim loại dần gỉ sét,…
– Sản phẩm càng to, đường ống phải càng to.
Nếu không có kinh nghiệm, bạn sẽ làm theo trải nghiệm. Không phải cứ đường thoát nước nào cũng như nhau. Nếu bạn bán cà phê, phần nước thải ra sẽ chỉ đa phần là chất lỏng, dễ dàng xử lý. Nhưng nếu bạn bán thêm bún bò, phở, thức ăn nhanh,… dầu mỡ bắt đầu xuất hiện thì phải để ý đến việc tăng tiết diện ống thoát cho to hơn. Để làm to lúc đầu thì dễ nhưng sửa từ nhỏ thành to sẽ phức tạp. Nên hãy dự trù trước việc này.
– Hãy làm rõ thời gian được bảo hành và test thường xuyên trong thời gian đó.
Sau 6 tháng – 1 năm thường các vấn đề về rò rỉ nước mới xuất hiện, vì vậy bạn hãy có 1 hợp đồng cam kết với người thi công về việc bảo hành cho bạn hệ thống nước. Và trong thời gian còn được bảo hành, hãy sử dụng triệt để để đảm bảo hệ thống vận hành trơn tru, chắc chắn.

O5 – HỆ THỐNG ĐIỆN

Hãy đảm bảo quầy của bạn có đủ ổ cắm cần thiết cho các thiết bị máy móc. Và nhớ lưu ý ổ cắm 3 chấu vì đại đa số các thiết bị hiện này đều là phích 3 chấu nhé.

Bất kỳ một yếu tố nào trong kiến trúc – nội thất cũng đều được tạo dựng từ một số điều cơ bản. Tất cả mọi thứ khi chỉ nhìn đều sẽ thấy phức tạp nhưng chỉ cần nhớ những điều cốt lõi, ai ai cũng có thể nắm bắt, kiểm soát, điều chỉnh một cách dễ dàng.
Mình chỉ chia sẻ một số điều cơ bản để bạn dễ ghi nhớ khi bắt đầu xây dựng quán hoặc nhìn lại quán mình đang có xem có điều gì cần khắc phục sớm không để tránh sự hư hỏng có thể lây lan.

Trang Đông

Bạn thích quán này chứ?

503 Points
Upvote Downvote
Nhận thông báo qua email
Nhận thông báo cho
guest

0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Nhiều like nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Liệu Bạn Có Đang Hiểu Đúng Về SETUP?

Tiệm Cà Phê Phúc An