– Brian may mắn gặp được nhiều bạn kinh doanh F&B đủ mọi sản phẩm & nhiều loại hình kinh doanh. Brian thấy có những bạn rất giỏi thậm chí giỏi nhiều mảng từ việc tạo ra sản phẩm chất lượng đến marketing và vận hành quán lên chuỗi đều rất hiệu quả nhưng nhìn chung các bạn vẫn có những hoàn cảnh khá giống nhau. Gặp phải những hoàn cảnh này nó giới hạn sự phát triển của chính bản thân các bạn và cả hệ thống hiện tại.
Brian chia sẻ đến các bạn những điểm chung mà khiến chính chúng ta không thể vượt qua, hi vọng bạn không gặp quá nhiều khó khăn khi rơi vào một trong những hoàn cảnh dưới đây , cách khắc phục nằm trong mỗi hoàn cảnh cụ thể:
1. KHỞI NGHIỆP KINH DOANH F&B KHÔNG ĐƯỢC GIA ĐÌNH ỦNG HỘ.
Nhiều bạn chọn con đường khởi nghiệp kinh doanh F&B trong khi đang có những công việc ổn định & lương cao ở các công ty, quyết định từ bỏ 1 công việc ổn định và quyết tâm xây dựng công việc kinh doanh riêng đôi khi không nhận được sự ủng hộ từ người thân (cha, mẹ, anh em…) và những người xung quanh (đồng nghiệp, bạn bè)
Chúng ta thường xuyên nhận được:
“đang có việc ổn định không làm, chui đầu vào kinh doanh cho c.h.e.t à”
“Thôi, thôi, làm ơn làm công ty yên ổn dùm đi”
“mày bớt dùm tao cái, mở quán vất vả lắm rồi lại đầu từ vài trăm triệu biết bao giờ mới thu hồi vốn”
“Chắc nó bị công ty đuổi, thất nghiệp mới ra mở quán”
…
Những lời nói dè bìu, bàn lùi của gia đình & bạn bè dễ khiến bản thân mình nhục trí, nếu mở ra có khách hàng vẫn sẽ bị nói “đang làm công ty ngon giờ ra mở quán thức khuya dậy sớm chi cho cực vậy” còn nếu thất bại thì:”bảo rồi không nghe, vẫn cứng đầu làm giờ nhận lãnh hậu quả”
Bạn nào rơi vào trạng thái này rất mệt mỏi, mọi thứ xung quanh đều tiêu cực, dễ nhục trí và bỏ giữa đường. Nhiều bạn không chịu được áp lực và rớt lại ở những tháng đầu tiên.
Để cải thiện tình hình này, bạn cần tìm 1 người đồng hành hoặc ít nhất có 1 người ủng hộ công việc kinh doanh này và đặc biệt người đó phải hiểu bạn và có thể hỗ trợ bạn về mặt tinh thần khi bạn khó khăn. Nếu không, bạn phải là 1 con người mạnh mẽ và quyết tâm cao độ bỏ hết mọi thứ tiêu cực để vượt qua những thử thách phía trước, từng bước chứng tỏ năng lực của bản thân và sự lựa chọn đúng.
2. PARTNER (người đồng hành) LÀM CHUNG LÀ VỢ CHỒNG HOẶC ANH EM TRONG GIA ĐÌNH CÓ TƯ DUY CHÊNH LỆCH
Đây là 1 trở ngại rất lớn trong kinh doanh, điều này nó hạn chế sự phát triển của 1 Thương Hiệu, và đây cũng là trường hợp Brian thấy nhiều nhất, vợ chồng & anh em làm chung với nhau bị khác biệt về tư duy dễ dẫn tới bất đồng quan điểm và sẽ có 1 bên phải chịu đựng vì do đã quá hiểu nhau về tính cách, sở trường, năng lực nên nó tạo thành rào cản khiến trong mắt người đối diện bạn CHỈ CÓ VẬY.
Đôi khi bạn có ý tưởng mới, 1 chiến lược phát triển mới nhưng tư duy của người đồng hành cùng bạn chênh lệch với bạn (có thể yếu hơn hoặc giỏi hơn bạn) nên bạn không triển khai được, người đối diện liên tục bàn lùi hoặc khẳng định luôn là không làm, điều này làm bạn chùn chân, mỏi gối và từ bỏ từ đó khiến bạn không có suy nghĩ phát triển hoặc cảm thấy mệt khi phải làm 1 điều gì đó mới vì nghĩ sẽ phải thuyết phục người đối diện đồng ý và bạn TỪ BỎ.
Để khắc phục được điều này cả hai cần thống nhất vai trò công việc cụ thể và công việc của người nào người đó có quyền quyết định cuối cùng và yêu cầu người còn lại phải tôn trọng quyết định đó, ghi nhận ý kiến đóng góp của người đối diện và nghiêm túc xem xét những đóng góp đó, nếu vẫn không làm được những điều này, những xung đột ở trên sẽ xảy ra, khó mà giải quyết.
3. ĐƠN ĐỘC TRONG QUÁ TRÌNH VẬN HÀNH VÀ PHÁT TRIỂN:
Chọn khởi nghiệp kinh doanh F&B nhưng đi một mình, không có bạn đồng hành đôi khi làm chúng ta thấy đơn độc, mọi sự quyết định trong kinh doanh đều là quyết định DUY NHẤT CỦA BẢN THÂN, không có sự tranh luận hay đóng góp từ người khác, điều này khiến bạn không biết mình có đang làm đúng hay không? và có đang đi đúng hướng hay không?
Việc kinh doanh 1 mình rất dễ rơi vào trạng thái mất tự tin khi chúng ta nhìn thấy những người xung quanh kinh doanh thành công và dễ xảy ra tâm lý TỰ TI khi gặp khó khăn trong kinh doanh, dễ nản, dễ bỏ.
Một mình quyết định mọi thứ đôi khi rất áp lực và thiếu đi sự động viên & khích lệ từ người khác cũng dễ rơi vào trạng thái nhàm chán công việc kinh doanh.
Để khắc phục điều này bạn cần mở rộng tư duy kinh doanh bằng việc học hoặc tham gia các cộng đồng F&B, điều đó giúp bạn cứng cáp hơn và cũng tạo được nhiều mối quan hệ, có thể chính những mối quan hệ này tạo nên cơ duyên hợp tác cùng phát triển và đôi bên đều có lợi, giúp bạn có thêm những kiến thức để tham khảo và đưa ra những quyết định tự tin hơn.
4. TƯ DUY BỊ GIỚI HẠN DO ÔM ĐỒM:
Để tiết kiệm chi phí trong thời gian đầu mở quán, chúng ta hay có thói quen tự làm hết mọi việc trong quán, công việc chúng ta bây giờ không khác gì 1 nhân viên đa nhiệm: làm mọi công việc phát sinh trong quán từ sáng đến khuya. điều này dẫn đến việc chúng ta thiếu đi những trải nghiệm mới trong khi thị trường F&B vẫn đang phát triển từng ngày, thiếu đi những cập nhật kịp thời để phát triển quán.
Có 1 đặc điểm hay xảy ra với người chủ ở trạng thái này là không tin tưởng giao việc cho nhân viên, luôn cảm thấy không ai đủ năng lực để đảm nhận những công việc mà mình đang làm, lúc nào cũng nhìn thấy sai sót ở những người khác, khá cầu toàn cho mọi hoạt động trong quán, giao cho nhân viên luôn cảm thấy BẤT AN và không tin tưởng được bất kì ai ngoài chính bản thân tự làm.
Mở quán sợ nhất làm chủ không ra làm chủ, làm công không ra làm công, cứ lưng lửng nữa này nữa kia.
Nhìn vô quán không phân biệt đâu là chủ đâu là nhân viên nhưng hầu hết ai làm quán cũng trải qua giai đoạn này, không trải qua giai đoạn này đôi khi lại khó thành công vì có hiểu gì đâu mà đòi thành công. Quan trọng là người chủ sống trong giai đoạn này bao lâu: 3 tháng, 6 tháng, 1 năm hay suốt đời.
Giai đoạn này gọi là giai đoạn làm nghề, cái nghề chủ quán nó khổ lắm nhưng vượt qua được cũng chưa chắc ngon.
Nói chung làm chủ quán bây giờ trên thông thiên văn, dưới tường địa lý mới, thích nghi, thích ứng, tương thích nhiều thứ mới mong sống tốt.
Để khắc phục điều này chính bản thân bạn phải tự nhận ra và cho mình 1 giai đoạn cụ thể làm “NGHỀ CHỦ QUÁN”: 3 tháng & 6 tháng hay 1 năm, sau giai đoạn đó ai sẽ là người thay thế bạn làm những công việc đó, bạn cần xác định cụ thể để có lộ trình làm chủ đúng nghĩa.
5. ĐỨNG NÚI NÀY TRÔNG NÚI NỌ THIẾU SỰ TẬP TRUNG:
Trường hợp này đa phần rơi vào những anh chị kinh doanh nhiều ngành nghề và kinh doanh F&B là 1 trong những ngành nghề kinh doanh. Rất khó để bạn thành công trong kinh doanh F&B khi thời gian của bạn phải chia ra cho nhiều ngành nghề, đa phần nó sẽ dừng lại ở 1 cột mốc nào đó và không thể phát triển tiếp hoặc sẽ lấy nguồn thu từ công việc kinh doanh khác để bù qua cho kinh doanh F&B. Vì nếu không tự vận hành được hoặc không có sẵn 1 bộ máy nhân sự vận hành tốt (như các công ty đa quốc gia hiện có hoặc xây dựng hệ sinh thái chung đa ngành phục vụ cho 1 tập khách hàng trung thành) thì khó đạt được thành công trong F&B vì có quá nhiều yếu tố trong kinh doanh F&B cần phải tập trung mà bạn thì không có thời gian hoặc không có chuyên môn.
Kinh doanh F&B cần sự tập trung và chiến lược dài hạn, mô hình F&B khó thắng trong ngắn hạn (trừ khi bạn muốn đánh nhanh và hớt váng thị trường) mà cần sự đầu tư bài bản và có chiến lược cụ thể, nếu bạn cảm thấy việc kinh doanh F&B là phụ, chỉ là 1 nguồn thu nhập thêm thì Brian khuyên bạn khoan hãy đầu tư vào F&B vì có thể “tiền mất tất mang”.
6. CẢ GIA ĐÌNH KINH DOANH CÙNG NHAU (ngược lại điều 3)
Nhiều mô hình kinh doanh theo hướng gia đình, nghĩa là cả nhà cùng nhau làm ở 1 quán hoặc mở được vài quán, mọi thứ đều được vận hành và triển khai bằng lời nói do người trong gia đình làm cùng nhau nên không xây dựng những nguyên tắc cụ thể hoặc thường sẽ du di cho nhau trong công việc. Nếu bạn đang sở hữu 1 sản phẩm tốt thì công việc kinh doanh này sẽ tương đối ỔN nhưng để phát triển là KHÔNG THỂ. Cơ chế vận hành gia đình không quy chuẩn nó không thể giúp bạn phát triển và mở rộng, rào cản lớn nhất lúc này vẫn là CON NGƯỜI, sự nể nang trong công việc và tư duy vận hành không có tổ chức rõ ràng (vai trò chồng chéo lên nhau, ai rảnh thì nhảy vào việc không phân biệt rõ ràng), rất khó để bứt phá ra khỏi tổ chức này trừ khi bạn chủ động tách ra riêng, tự vận hành riêng.
Đôi khi chúng ta chỉ dừng lại như vậy là đủ, chúng ta chấp nhận cơ chế vận hành như vậy để tối ưu hoạt động kinh doanh, không cần kế hoạch mở rộng tăng doanh thu & lợi nhuận, nhưng nếu muốn phát triển phải có những cá nhân trong gia đình tách ra và xây dựng hệ thống riêng, thay đổi toàn bộ cơ chế vận hành mới.
7. HÙN VỐN KINH DOANH CÙNG BẠN BÈ/ ĐỒNG NGHIỆP:
Khác với mục 2 (partner là người thân) sự gắn kết ở mối quan hệ này RẤT YẾU, chỉ cần xuất hiện những BẤT ĐỒNG QUAN ĐIỂM cũng có thể phá vỡ và kết thúc công việc kinh doanh hùn hạp.
Trước đây Brian có chia sẻ 1 bài viết “ HÙN HẠP SAO CHO BỀN” giải quyết cụ thể điểm này. Các bạn có thể tham khảo để hiểu rõ hơn:
– Trên đây là 7 hoàn cảnh mà anh chị kinh doanh F&B dễ rơi vào nhưng mọi hoàn cảnh đều có hướng giải quyết, MẤU CHỐT Ở ĐÂY VẪN LÀ SỰ TỈNH TÁO VÀ XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU RÕ RÀNG, ĐỜI KHÔNG CÓ GÌ LÀ HOÀN HẢO, MỌI THỨ CẦN CÓ SỰ DUNG HÒA, QUAN TRỌNG CHÚNG TA BIẾT MÌNH ĐANG Ở ĐÂU, MÌNH CẦN GÌ VÀ XÁC ĐỊNH LỘ TRÌNH ĐỂ THỰC HIỆN
Chúc các bạn thành công.
Brian Dang