Xin chào cả nhà, hôm nay chúng ta sẽ quay lại với loạt bài viết về điểm hoà vốn. Trong các phần trước của loạt bài viết này, mình đã giới thiệu về điểm hoà vốn cũng như giải thích điểm hoà vốn là gì. Trong phần này, chúng ta sẽ đi sâu hơn về công thức tính điểm hoà vốn để các bạn có thể tính điểm hoà vốn của mình một cách chính xác nhất.
Lưu ý rằng, bài viết này sẽ áp dụng cho việc lên điểm hoà vốn dự kiến (không phải điểm hoà vốn thực tế trong giai đoạn triển khai). Điểm hoà vốn dự kiến là mức hoà vốn được xác định trong quá trình lập kế hoạch trước khi bắt đầu kinh doanh.
Có 02 đơn vị tính điểm hoà vốn: điểm hoà vốn theo doanh thu và điểm hoà vốn theo đơn hàng. Cách tính về cơ bản là tương tự nhau. Trong ngành FnB, do giá trị trên một đơn hàng thường không cố định nên điểm hoà vốn theo doanh thu thường được lựa chọn để đo lường chính xác nhất
CÁC BIẾN SỐ CẤU THÀNH CÔNG THỨC TÍNH ĐIỂM HOÀ VỐN
1. Chi phí khấu hao dự kiến theo tháng
Chi phí khấu hao được định nghĩa là khoản chi phí được phân bổ cho một tài sản nhất định đến khi giá trị của tài sản bằng 0 hoặc không đáng kể.
Công thức tính chi phí khấu hao dự kiến (theo tháng): Giá tài sản cố định / thời gian khấu hao dự kiến.
Giả sử bạn đầu tư một nhà hàng với tổng chi phí 1.200.000.000 VNĐ và xác định sau 24 tháng sẽ hoà vốn. Chi phí khấu hao dự kiến của bạn sẽ là: 1.200.000.000/24 = 50.000.000 VNĐ/tháng.
2. Chi phí vận hành dự kiến theo tháng
Là tổng các chi phí dự kiến cho hoạt động vận hành (không bao gồm giá vốn hàng bán). Chúng ta có thể liêt kê các chi phí vận hành phổ biến trong một mô hình F&B bao gồm:
- Chi phí thuê mặt bằng
- Chi phí lương/thưởng
- Chi phí bảo trì/sửa chữa
- Chi phí Marketing (chụp hình, in ấn vật phẩm, chạy quảng cáo, book reviewer v.v…)
- Chi phí khác (điện, nước, Internet v.v…)
Nhiều bạn sẽ đặt câu hỏi: phần lớn các khoản chi phí này đều không cố định (thay đổi theo tình hình kinh doanh). Vậy làm sao để có thể lên được dự tính. Câu trả lời rất đơn giản, ở các ngành như F&B, chúng ta gần như đã xây dựng được biên chi phí (% chi phí tối đa không được vượt) ví dụ: chi phí lương/thưởng không lớn hơn 25% tổng doanh thu, chi phí điện, nước, interet không lớn hơn 5% tổng doanh thu. Vì thế bạn có thể dựa trên ngưỡng doanh thu khả thi để tính toán các chi phí này. Giả sử các bạn dự đoán mô hình kinh doanh của mình sẽ thu về 100.000.000 VNĐ/tháng, từ đó dự tính được chi phí lương thưởng cho phép không được vượt quá 25.000.000 VNĐ.
Từ các khoản chi phí vận hành dự kiến này, chúng ta cộng lại tính ra được tổng chi phí vận hành dự kiến theo tháng.
3. Chi phí lãi vay dự kiến phải trả theo tháng
Trong trường hợp chủ nhà hàng sử dụng nguồn vốn vay từ các nguồn bên ngoài để đầu tư, chi phí này nhất định phải được tính vào bảng dữ liệu tính điểm hòa vốn. Tránh tình trạng thu tiền về nhưng không tiết kiệm lại để đến sát thời điểm trả nợ mới trích doanh số ra ứng gây hụt dòng tiền.
Chi phí lãi vay được tính dựa trên % lãi suất theo tháng + khoản bình quân trả nợ theo tháng.
Ví dụ: bạn vay 240.000.000 VNĐ trả trong 1 năm, lãi suất năm 6%. Thời điểm trả nợ bạn cần phải trả 254.400.000 VNĐ. Như vậy mỗi tháng bạn cần phải tiết kiệm 21.200.000 VNĐ trong năm đầu để trả nợ. Trong giai đoạn nhiều mô hình kinh doanh cần vay vốn tài chính, hãy lưu ý tới điểm này để quản lý dòng tiền của nhà hàng/quán cà phê một cách tốt nhất.
4. Chi phí cơ hội dự kiến mất đi theo tháng
Khi bạn đã đầu tư vào một mảng kinh doanh nhất định, đồng nghĩa với việc bạn đã “chôn vốn” của mình vào một cơ hội và bỏ qua các cơ hội khác.
Những cơ hội này sẽ cho bạn nguồn lợi nhuận chắc chắn hơn và vì thế bạn cần phải tính khoản tiền mất đi này vào phần chi phí cơ hội của mình.
Ví dụ 1:
Giả sử bạn có dư 1.000.000.000 VNĐ xác định đầu tư vào F&B trong 2 năm sẽ thu hồi vốn. Trong 2 năm này, nếu bạn gửi tiền vào ngân hàng bạn sẽ thu về 1.123.600.000 VNĐ (lãi suất năm 6%). Như vậy trong 02 năm do đầu tư vào F&B bạn đã mất đi 123.600.000 VNĐ. Và mỗi tháng bạn mất đi 5.150.000 VNĐ trong vòng 2 năm. Khoản 5.150.000 VNĐ này bạn cần phải tính vào chi phí vận hành.
Ví dụ 2:
Lãi suất ngân hàng có thể không đáng kể, nhưng hãy đặt một giả thiết. Bạn đang có một mặt bằng, nếu cho thuê mặt bằng này bạn sẽ thu về 50.000.000 VNĐ/tháng. Nhưng bạn lại xác định làm kinh doanh và phân bổ chi phí mặt bằng là 40.000.000 VNĐ để tạo điều kiện cho bản thân kinh doanh dễ dàng hơn. Như vậy bạn đã lỗ 10.000.000 VNĐ/tháng do ảnh hưởng từ việc kinh doanh F&B của bạn. Khoản tiền này cũng nên được tính vào chi phí vân hành.
5. % Trung bình Giá vốn hàng bán (COGs)
Chúng ta đều biết rằng mỗi món ăn sẽ có một ngưỡng % giá vốn khác nhau (món có giá vốn cao, món có giá vốn thấp). Vì thế khi chưa có dữ liệu lịch sử thu thập được trong quá trình kinh doanh (% giá vốn hàng bán thực tế qua từng tháng). Chúng ta sẽ tạm xác định là các món có số lượng mua tương tự nhau dẫn đến % trung bình giá vốn hàng bán được tính theo công thức bình quân % giá vốn hàng bán của toàn bộ thực đơn.
Ví dụ: thực đơn có 2 món, món A cost: 25%, món B cost: 30%. % Trung bình giá vốn hàng bán sẽ là 27.5%.
ÁP DỤNG VÀO CÔNG THỨC TÍNH ĐIỂM HOÀ VỐN
Giả sử sau khi ngồi tính toán, cân đo, đong đếm, các bạn đã tổng kết được những số liệu như sau.
- Chi phí khấu hao dự kiến theo tháng: 20.000.000 VNĐ
- Chi phí vận hành dự kiến theo tháng: 50.000.000 VNĐ
- Chi phí lãi vay dự kiến theo tháng: 21.200.000 VNĐ
- Chi phí cơ hội dự kiến mất đi theo tháng: 5.150.000 VNĐ
- % Trung bình giá vốn hàng bán của thực đơn: 27.5%
Áp dụng bằng công thức tính điểm hoà vốn được cung cấp dưới video:
=> Điểm hoà vốn theo tháng: 132.896.552 VNĐ
=> Điểm hoà vốn theo ngày: 4.429.885 VNĐ
Trong trường hợp, các bạn muốn tính điểm hoà vốn theo đầu sản phẩm, cũng theo công thức trên. Chúng ta thay thế giá trị % trung bình giá vốn hàng bán của thực đơn bằng hiệu số (giá bán trung bình – giá vốn hàng bán trung bình theo đơn vị VNĐ). Ở đây giả sử là: 60.000 VNĐ – 18.000 VNĐ = 42.000 VNĐ.
=> Số s/p cần bán theo tháng để hoà vốn: 3164 sản phẩm
=> Số s/p cần bán theo ngày để hoà vốn: 105 sản phẩm
Quang Huy