Quản lý nhân sự, ít nhiều ai cũng gặp tình huống này. Ở Obobun, cũng có nhiều bạn hay đi muộn.
Thường thì mình sẽ tin hoàn vào lý do bạn đưa ra ở lần đầu tiên. Mình vẫn vui vẻ làm việc bình thường và thăm hỏi ân cần. Nếu sự việc không tái diễn thì mọi việc coi như chưa có chuyện gì xảy ra. Nếu lần thứ hai tái diễn trong thời gian ngắn và lặp lại nhiều lần thì mình bắt đầu tìm hiểu xem đời sống cá nhân có trắc trở gì không? Cuộc sống có đảo lộn gì không? Việc đi làm đúng giờ có làm ảnh hưởng đến học tập, cuộc sống gia đình không?
Cá biệt có bạn báo muộn 15 phút mà 1h sau mới đến. Hai tuần liên tiếp. Mình xin gặp riêng em hỏi: “Anh thấy hai tuần liền em đều báo trễ 15 phút mà 1h sau em mới đến. Em nói em trễ bus nhưng có lẽ có vấn đề khác tế nhị hơn. Nếu có khó khăn, anh muốn em cứ thẳng thắn nói với anh. Nếu cần, mình có thể đổi ca làm, chuyển em làm ngày khác phù hợp hơn.”
Em thú thực lý do không phải do trễ bus mà vì lý do khác. Rồi mình hỏi: “Em có muốn anh xếp lịch làm lùi lại hẳn 1h hay chuyển em sang ngày khác không? Hay em có cách nào để sự việc không tiếp diễn và mình giữ được sự chân thành với nhau không?”
Hai anh em ngồi thảo luận cách giao tiếp thẳng thắn, chân thành. Em hứa sẽ không lập lại nữa.
Thông thường, khi gặp phải tình huống như vậy. Nhà quản lý sẽ có hai cách phản ứng:
1. Thể hiện sự bực bội và yêu cầu không tái diễn.
2. Bình tĩnh ngồi lại tìm hiểu và kiếm giải pháp chung, thấu tình đạt lý để sự việc không tái diễn.
Với phương án 1, có thể giải quyết được vấn đề nhưng mối quan hệ sẽ dễ sứt mẻ. Không khí làm việc sẽ kém ôn hoà. Nếu bị trách oan, nhân viên còn oán thán, từ đó hết tận tâm.
Phương án 2 thấu tình đạt lý, nhân viên cảm thấy được thấu hiểu. Có thể giải quyết vấn đề giúp sự việc không tái diễn mà vẫn giữ được hoà khí.
Cái khó là làm sao vượt qua được sự bực bội, sự bí bách muốn xả cơn giận lên đầu người mắc tội.
Có lẽ thấu cảm là chìa khoá.
Không giận thì sẽ không cần HẢ giận.
Phan Viet Phong