in

Quá bảo thủ, mở quán dễ thất bại

Cảnh báo: Đây là một chủ đề hết sức nhạy cảm và có thể khiến bạn khó chịu. Dừng đọc ngay khi bạn bắt đầu có dấu hiệu cảm thấy thiếu tích cực.

Có thể các bạn đã đọc rất nhiều các bài viết tích cực, câu chuyện thành công của nhiều quán, nhiều thương hiệu, nó giúp bạn có động lực lớn, có thêm dũng khí để tự mình kinh doanh một chiếc quán của riêng mình.

Có thể các bạn đã đọc rất nhiều các bài viết chia sẻ kiến thức quản lý, kiến thức vận hành… nó giúp hành trang mở quán của bạn thêm phong phú.

Về bản chất, những điều đó tốt. Nó như một dạng bài viết self help, thúc đẩy bạn, cho bạn thêm tự tin.

Nhưng ở bài viết này, nó nói về những mặt trái, những góc khuất, mà tôi tin rằng có lẽ đâu đó chỉ những người chủ quán ĐÃ THẤT BẠI sẽ cay đắng hiểu được những dòng tiếp theo. Đừng đọc tiếp nếu bạn cảm thấy nó sẽ khiến bạn nhụt chí.

Tại sao quá bảo thủ khi mở quán thì dễ thất bại? Bởi vì đôi khi cái bảo thủ đó nó bó hẹp tư tưởng của bạn xoay quanh những gì bạn yêu và chỉ những gì bạn biết.

1. Bảo thủ trong sản phẩm

Điều này vô cùng nguy hiểm, nhất là những người quá yêu sản phẩm của mình.

Lấy một ví dụ nhé: Bạn quá yêu cà phê, bạn muốn lan toả sự tinh tế, sự thuần khiết của nó tới những người khác, để người ta hiểu cà phê giống như bạn hiểu. Nhưng chọn thị trường sai, bạn khai mở cà phê mộc, cà phê đặc sản, cà phê thủ công,.. ở một khu vực mà tư duy khách hàng vẫn nằm ở mức “cà phê ngon là phải đen sánh đặc”.

Bạn có cơ hội thành công không? Có chứ! Nhưng bạn phải đủ sức mạnh để giáo dục khách hàng. Trong thời gian đủ để khách hàng hiểu sự tốt đẹp đó, bạn cũng phải sống, cũng phải ăn, cũng phải trả lương cho nhân viên, trả tiền thuê nhà, trả đủ các chi phí khác. Bạn đủ sức, đủ lực, đủ kiên trì và đủ dũng cảm bù lỗ trong bao lâu?

Hoặc bạn là một người yêu bánh ngọt. Bạn muốn mở một tiệm cà phê bánh – mô hình hiện đại thường thấy ở những thành phố lớn. Nhưng tại nơi bạn mở, thu nhập còn chưa cao. Thay vì ăn một chiếc bánh kem 25k bé xinh như bàn tay, họ ăn một ổ bánh mỳ đầy ngập nhân giá chỉ 20k, no hơn, ấm bụng hơn. Bánh ngọt thì không để được lâu, chỉ 2 3 ngày là phải huỷ, và bạn fail.

Bạn thấy không, đồ uống đồ ăn ngon thôi là chưa đủ. Quên mất các yếu tố khác của thị trường, bạn sẽ thất bại.

2. Bảo thủ về tay nghề.

Bạn từng làm pha chế nhiều năm? Bạn nghĩ rằng mình thừa sức mở một quán cà phê, pha đồ uống và vận hành nằm trong lòng bàn tay?

Thực tế nhiều năm tư vấn, tôi đã gặp không ít các bạn pha chế tự mở quán và thất bại. Có những người họ không cần tìm hiểu thêm về thị trường, không cần tìm hiểu thêm về mô hình, không cần tìm hiểu thêm về xu hướng… Họ nghĩ rằng tôi pha thành thạo, thế là đủ. Điều này cũng đang hình thành nên trong suy nghĩ của rất nhiều người chuẩn bị mở quán, đi học pha chế chỉ để lấy công thức, để đòi sự thành thạo.

Nhưng họ quên mất rằng ngành này quá rộng, và quá phát triển, và nó lại quá cạnh tranh. Chỉ một ngày không update thông tin, mọi thứ đã khác. Mức độ cạnh tranh cao đòi hỏi bạn phải luôn trang bị một tư thế sẵn sàng xoay vần để hiểu thị trường đồ uống đang ở mức nào. Chỉ biết pha chế nhiều năm liệu đã đủ chưa, khi một quán cà phê muốn kinh doanh cần biết cách marketing hiệu quả, cần biết cân đối các con số từ doanh thu, chi phí, hao hụt…? Một người chủ quán là một người kinh doanh, không phải một người thợ pha chế. Mang tư duy của thợ pha chế đi kinh doanh, thì bạn sẽ thất bại.

3. Bảo thủ trong việc đánh giá thị trường

Bạn đã có mô hình, bạn muốn tìm địa điểm mở quán, ok. Hoặc bạn đã có mặt bằng, bạn muốn mở quán trên cái mặt bằng đó, cũng ok. Nhưng mà, quán, và cái mặt bằng đó của bạn, làm thế nào để có sự kết nối, sự phù hợp?

Bạn rất tự tin mình hiểu khách hàng khu vực mình, dân cư nơi mình sinh sống. Bạn tự tin bạn hiểu họ. Nhưng, đã chắc chưa?

Bạn 40 tuổi, muốn mở quán cho giới trẻ. Vậy dừng lại 5 giây, nếu bạn đang có con, bạn đã hiểu con mình chưa? Hiểu sở thích của họ, cách họ nói chuyện, cách họ dùng mạng xã hội, cách họ tương tác?…

Hoặc, bạn 20 tuổi, muốn mở quán cho dân văn phòng. Vậy lại dừng 5 giây, bạn đã tìm hiểu mức lương cơ bản khu văn phòng quanh bạn chưa? Bạn đã bỏ thời gian theo dõi hành vi của họ, nhu cầu thật sự của họ chưa?

Insight khách hàng là một thuật ngữ trong marketing. Để hiểu insight khách hàng, cần đầu tư nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Hơn nữa, quan trọng nhất là tư duy. Mọi thứ bạn cho rằng bạn hiểu ở khách, đó chỉ là cảm quan của bạn. Bạn cần kiểm chứng xem những gì mình nghĩ là đúng hay sai, hay đang quá rủi ro. Đừng tự tin mình đã quá hiểu khu vực của mình, mang tâm lý đó, bạn sẽ thất bại.

Cách dễ dàng nhất để biết mình có bảo thủ hay không, thử ngồi đặt bút và vẽ ra một bức tranh toàn cảnh chiếc quán tương lai của bạn, xem nó như thế nào. Vẽ ở đây không phải thiết kế lên hình hài cho nó nhé, mà bạn hãy ngồi tưởng tượng rồi ghi ra giấy, không gian cần những gì, phục vụ cần gì, đồ uống cần gì… Nhìn lại chúng xem đã phù hợp với nhau hay chưa, và quan trọng nhất nếu bạn là khách, đó có THẬT SỰ LÀ NHỮNG GÌ HỌ MUỐN hay không?

Chia sẻ: Nguyễn Quang Tôm

Bạn thích quán này chứ?

503 Points
Upvote Downvote
Nhận thông báo qua email
Nhận thông báo cho
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

BASAO Tea Lounge

TERRA Café & Workshops