in

Tối ưu hóa công cụ marketing cho nhà hàng / cafe (Phần 3)

Tiktok

Tiktok là mạng xã hội video âm nhạc mà người dùng chủ yếu tạo ra những clip có độ dài tối đa 60s, đối tượng chính của tiktok là giới trẻ với độ tuổi từ 10t đến 18t & Gen Z (18t – 24t)

  • Những sản phẩm phù hợp với quảng cáo tiktok: thời trang, làm đẹp, giày dép hoặc các sản phẩm tiêu dùng nhằm tăng nhận diện thương hiệu trên diện rộng…
  • Về F&B: những chuỗi lớn muốn đẩy mạnh về nhận diện thương hiệu và muốn tập trung vào giới trẻ thì quảng cáo trên tiktok sẽ rất phù hợp.

Vậy những quán local brand có thể thu hút khách hàng bằng tiktok không?

Câu trả lời là CÓ. Trên tiktok có các KOLs, họ phát triển mạnh về kênh review ẩm thực trong 1 khu vực (Hồ Chí Minh, Hà Nội…), KOLs này có lượng follow tại khu vực khá lớn, những review của họ có lượng tương tác lớn, được rất nhiều quan tâm từ các followers. Chúng ta có thể thuê họ để giới thiệu về quán, sản phẩm.

Những lưu ý khi sử dụng KOL để quảng bá cho quán:

  • Bạn cần xác định được vị trí & tầm ảnh hưởng của KOL.
    Ví dụ: quán bạn đặt ở HCM thì không thể thuê KOL ở Hà Nội review được vì lúc này các follower chủ yếu ở Hà Nội.
  • Những tương tác, comment của KOL khi đăng bài ẩm thực: bạn cần review trước những post của KOL đã từng đăng để đánh giá mức độ hiệu quả thông qua tương tác: chủ yếu comment & share.
  • KOLs có rất nhiều dạng:
    • Dạng 1: KOL hoạt động bài bản chịu sự quản lý của 1 công ty (chuyên quảng cáo), thông thường phí cho những KOL này để PR 1 bài khá cao bù lại sẽ có những cam kết về tương tác tùy vào chính sách quảng cáo của mỗi công ty.
    • Dạng 2: KOL hoạt động độc lập: các KOL này thường làm theo sở thích, có được lượng follow lớn. Những KOL này các bạn có thể inbox trực tiếp để làm việc về phí marketing.
    • Dạng 3: tiktoker đang trong quá trình xây dựng thành KOL, thường những bạn này đang trong quá trình tích lũy và xây dựng, các bạn thường PR miễn phí cho những hàng quán đã đông khách, ngon, giá tốt với mục đích là tăng follow. Những bạn này có thể review free cho quán bạn nếu bạn offer cho họ 1 chi phí nho nhỏ (ví dụ 1 bữa ăn miễn phí chẳng hạn).
  • Bên cạnh đó, quán cũng nên xây dựng cho mình 1 kênh tiktok riêng để chia sẻ những khoảnh khắc vui vẻ và những món ngon của quán.

Zalo ads

(không khuyên dùng trong ngành hàng F&B)

Zalo là phần mềm mạng xã hội với tính năng chat & gọi điện thoại miễn phí được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam hiện nay. Zalo được đánh giá cao về mức độ bảo mật:

Ví dụ: khi bạn comment 1 bài post của người quen trên zalo, những người khác nếu không phải là bạn của cả 2 người (người comment & người đăng bài) thì sẽ không nhìn thấy được comment của bạn.

Vì sao kinh doanh F&B không khuyến khích sử dụng quảng cáo trên zalo?

Những tính năng quảng cáo của zalo khá tương đồng với facebook nếu không muốn nói chưa chi tiết bằng facebook. Hầu hết mọi loại hình quảng cáo của zalo, facebook đều có. Bên cạnh đó do tính bảo mật cao của zalo nên hoạt động tương tác trên mạng xã hội của zalo không sôi động bằng facebook, bạn sẽ không nhìn thấy được comment của người khác, điều này làm mất đi hiệu ứng đám đông. Quảng cáo trên zalo phù hợp với những loại hình: bất động sản, tạo & bán gian hàng online, bán 1 sản phẩm đặc thù như điện thoại, tai nghe…

Điểm có thể tận dụng Zalo trong F&B: tạo dịch vụ nhận đơn hàng, đặt bàn & ship hàng – tạo gian hàng trên zalo bán các món mà quán đang cung cấp – gắn hệ thống chatbox lên zalo để nhận đơn hàng, xác nhận đơn hàng, gửi thông tin đơn hàng và giao hàng. Khi khách hàng có nhu cầu đặt hàng online để quán giao hàng, chúng ta có thể dẫn link order chuyển qua zalo để thao tác đặt hàng.

Website

Sở hữu website sẽ nâng tầm giá trị thương hiệu của quán bạn, đặc biệt khi mở rộng hệ thống cửa hàng & có ý định phát triển Nhượng Quyền thương hiệu. Hãy chuẩn bị cho mình 1 website đầu tư chuyên nghiệp về hình ảnh & dịch vụ để tăng sự tin tưởng của Khách Hàng hơn – các bạn có thể tham khảo các website của các thương hiệu lớn trong cùng lĩnh vực để xây dựng website cho quán mình hoàn thiện.

Lưu ý: những quán nhỏ, mới mở hoặc kinh phí hạn hẹp thì chưa cần thiết đầu tư website vì chi phí để làm 1 website chuyên nghiệp cũng không nhỏ.

App giao hàng (Now, Grab, …)

Là những đối tác dịch vụ giao hàng của cửa hàng, bạn có thể đăng ký cửa hàng của bạn trên App và sử dụng dịch vụ của họ. Phần lớn các dịch vụ ship đồ ăn/ thức uống tại các thành phố lớn đang hoạt động rất mạnh, thay thế dần các hoạt động tự ship từ cửa hàng.

Ưu điểm các App giao hàng:

  • Sở hữu lượng khách hàng khổng lồ sử dụng App, ví dụ như Grab có lượng người dùng Grab cho nhiều mục đích: xe ôm, chở hàng, đặt đồ ăn, đi chợ…
  • Chủ động tìm kiếm thêm khách hàng mới sử dụng App.
  • Kênh hiệu quả giúp cửa hàng tăng doanh số bán thay thế đội ngũ giao hàng của cửa hàng.

Vậy làm sao để làm tốt việc quảng bá trên App và tăng doanh thu từ giao hàng?

Khi liên kết với App, cửa hàng sẽ chịu một khoảng % chiết khấu giao động từ 15 – 25% tùy App. Đây có thể được xem khoảng phí dịch vụ giao hàng mà cửa hàng phải chịu.

Với hàng ngàn cửa hàng trên App chắc chắn sự cạnh tranh luôn khốc liệt và các cửa hàng cạnh tranh nhau ở các điểm sau:

  • Hình ảnh sản phẩm hấp dẫn
  • Giá thành sản phẩm tốt
  • Khuyến mãi sản phẩm mạnh (giảm giá %, freeship…)
  • Vị trí thuận tiện.
  • Độ nổi tiếng của thương hiệu.

Thông thường, những thương hiệu lớn luôn được khách hàng chọn lựa, những thương hiệu nhỏ hơn (local Brand) thường cạnh tranh với nhau bằng 4 yếu tố đầu tiên.

Có nhiều quán được xây dựng chỉ để bán online, họ tối thiểu mọi chi phí liên quan đến mặt bằng, nhân công, nguyên liệu, vận hành để tập trung vào giá bán và cạnh tranh bằng Khuyến mãi.

Mọi chiêu trò sẽ được đưa ra để thu hút khách mua hàng lần đầu qua App nhưng chất lượng sản phẩm mới là yếu tố then chốt để khách hàng mua lại những lần tiếp theo.

Vì vậy, việc bán hàng tốt trên các App là một thách thức rất lớn về bài toán chi phí của cửa hàng. Nhưng hiện diện cửa hàng App & có những ưu đãi nhỏ dành cho nhóm khách hàng thích sản phẩm của cửa hàng sẽ không làm mất đi doanh thu của nhóm khách đặc thù đó.

Ví dụ: khách uống quen quán của bạn, thích 1 món nào đó. Hôm nay khách thèm nhưng không thể ghé quán mua, khách sẽ đặt qua App – nếu bạn ko có cửa hàng trên App, bạn mất cơ hội bán hàng cho khách quen – lượng khách hàng sẽ lớn dần khi có nhiều người yêu thích món của cửa hàng bạn.

Lưu ý: Brian khuyên các bạn đừng bom quá nhiều khuyến mãi (giảm giá 40 – 60%) cho sản phẩm trên App giao hàng để tăng doanh thu trừ khi bạn có 1 kế hoạch chi tiết với mục đích giới thiệu món mới trong thời gian ngắn hoặc cost thành phẩm chỉ 10% – 15%. Việc bom quá nhiều khuyến mãi làm sản phẩm bị nát giá, mất đi giá trị của sản phẩm. Bên cạnh đó, việc chạy khuyến mãi giảm giá sâu trong thời gian dài sẽ mất lượng khách thích sản phẩm tới quán mua (mua mang về), lúc này xu hướng khách hàng sẽ đặt qua App là chính.

Đối với những quán có không gian phục vụ khách hàng, việc bán qua App là phần doanh thu add-in không phải phần doanh thu chính vì vậy cân nhắc thật kỹ các CT khuyến mãi theo từng giai đoạn để phù hợp cả online lẫn offline.

POS order – CRM:

  • Thực tế đây là công cụ offline nhưng vì nó quá quan trọng nên Brian chia sẻ trong bài công cụ online để mọi người lưu ý.
  • Ở mỗi quán hiện tại hầu hết đều được đầu tư 1 máy tính tiền & phần lớn các phần mềm tính tiền hiện tại đều có tích hợp tính năng CRM.
  • CRM (viết tắt của từ Customer Relationship management) có thể hiểu dùng để quản lý sự gắn kết giữa quán với khách hàng. CRM có tính năng lưu giữ thông tin khách hàng: tên, số điện thoại, địa chỉ, ngày tháng năm sinh, thói quen order, lịch sử order, Số tiền đã mua hàng…
  • Căn cứ vào tính năng CRM, quán có thể tạo nên 1 công cụ vô cùng hiệu quả để giữ chân khách hàng ở lại quán lâu hơn : Chương trình Khách hàng Thân thiết.

Tùy vào phần mềm bạn đang sử dụng mà sẽ có những tính năng sau:

  • Giảm giá % trực tiếp
  • Tặng quà ngày sinh nhật (thông báo tin nhắn nhận quà)
  • Tích lũy điểm thông qua số tiền đã mua.
  • Gợi ý món cho khách dựa vào lịch sử mua hàng (tăng mức độ thân thiết giữa khách & nhân viên quán) (phù hợp order tại quầy)

Nếu các bạn đang sở hữu 1 máy POS & 1 phần mềm có tính năng CRM thì đừng bỏ qua công cụ marketing này.

Phần kết:

Brian đã chia sẻ với các bạn tất cả những công cụ mà Brian được biết và tự bản thân trải nghiệm, hi vọng những thông tin mà Brian chia sẻ sẽ giúp các bạn có 1 bức tranh tổng quan về các công cụ marketing hiện tại cho nhà hàng & café.

Lưu ý: Sẽ không có 1 công cụ nào hiệu quả tuyệt đối mà phụ thuộc hoàn toàn vào sản phẩm & chiến lược kinh doanh của bạn.

Cách đây 5 năm, việc mở quán rồi chờ khách đến trải nghiệm sản phẩm & truyền miệng để quán đông vẫn có cơ hội tồn tại & phát triển thì ở giai đoạn hiện tại với cách thức ấy cơ hội thành công đã hẹp dần. Với sự phát triển của công nghệ, khách hàng đã có nhiều sự lựa chọn hơn và cũng vì điều đó sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn, cùng 1 sản phẩm sẽ có rất nhiều người bán, khách hàng sẽ ưu tiên những sản phẩm đang được ưu đãi, nhìn đẹp mắt & hấp dẫn. Khách hàng cũng sẽ bớt trung thành ở 1 quán khi xung quanh có nhiều cám dỗ hơn khiến họ muốn thử nhiều hơn.

Để có thể tồn tại & phát triển, vượt trội hơn những quán trong khu vực đòi hỏi ông bà chủ thay đổi tư duy về marketing & dịch vụ chăm sóc khách hàng VÀ có chiến lược marketing dài hạn.

Nguồn: Brian Dang

Bạn thích quán này chứ?

503 Points
Upvote Downvote
Nhận thông báo qua email
Nhận thông báo cho
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tối ưu hóa công cụ marketing (fanpage) cho nhà hàng / cafe (Phần 2)

Biscuit Milk Tea – KOI Thé